Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh
Cập nhật ngày: 29/05/2013 04:26:59
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (gọi tắc là Nghị quyết TW 5 khóa VIII), từ năm 1998 đến nay tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa để góp phần giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, đồng thời giới thiệu hình ảnh của địa phương đến du khách trong và ngoài nước.
Khu di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp được công nhận là khu di tích cấp quốc gia đặc biệt
Giai đoạn 1998-2012, tổng kinh phí chi cho các hoạt động văn hóa của tỉnh Đồng Tháp gần 820 tỷ đồng (ngân sách nhà nước chi hơn 775 tỷ đồng, còn lại là xã hội hóa), trong đó tỉnh đã đầu tư một phần kinh phí đáng kể cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn.
Đến nay, tỉnh đã thực hiện 9 dự án về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội Gò Tháp, lễ hội Đền thờ Trần Văn Năng, nghề dệt chiếu ở Định Yên, làng hoa kiểng Sa Đéc, nghiên cứu bảo tồn điệu hò Đồng Tháp... Đồng Tháp đang thực hiện chương trình bảo tồn văn hóa phi vật thể về đờn ca tài tử; bảo tồn và duy trì hoạt động thường xuyên 123 lễ hội truyền thống, 38 loại hình trò chơi dân gian và 44 làng nghề truyền thống.
Tỉnh đang có chủ trương tiếp tục sưu tầm, kiểm kê các giá trị văn hóa phi vật thể như giai thoại truyền khẩu, tên gọi sông rạch, cầu đường, địa danh làng ấp, chuyện dân gian,... làm cho hoạt động văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng và phong phú.
Trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp là di tích cấp Quốc gia đặc biệt, công nhận 13 di tích khác như: khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, chùa Kiến An Cung, nhà ông Huỳnh Cẩm Thuận, di tích Đình Phú Hựu, đình Tân Phú Trung, căn cứ kháng chiến Tỉnh ủy Kiến Phong,... là di tích cấp Quốc gia.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 50 di tích khác được xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Các di tích được xếp hạng đều mang dấu ấn truyền thống, mang ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của cha ông và quảng bá những giá trị của di tích nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm.
Ngoài các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thì nét văn hóa đặc trưng, riêng biệt của con người Đồng Tháp còn chứa đựng nhiều vốn văn hóa dân gian tiềm ẩn được lưu truyền trong nhân dân. Thông qua các câu hò, điệu lý, hoạt động biểu diễn đờn ca tài tử được trình bày với các nhạc cụ như đàn bầu, đàn tranh, đàn cò,... đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Đồng Tháp.
Đến nay, toàn tỉnh có 195 câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử với 2.242 nghệ nhân, nghệ sĩ thành viên (tăng 130 CLB so với năm 1998); có 86 CLB hát với nhau (tăng 31 câu lạc bộ so với năm 1998); có 20 khu văn hóa gia đình và 294 điểm, phòng đọc sách báo ở cơ sở được tổ chức hoạt động thường xuyên.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa VIII, nhìn chung công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện tốt, không có tình trạng xâm hại di tích. Các di tích được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những điểm du lịch-văn hóa đặc thù, gắn kết với những tuyến du lịch hấp dẫn, có tác dụng thúc đẩy kinh tế du lịch tỉnh nhà phát triển và từng bước giúp cho cộng đồng nâng cao nhận thức. Từ đó chung sức bảo vệ và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân.
P. Thuận