Nghệ nhân Hai Biệu

Cập nhật ngày: 22/05/2013 05:52:21

Người dân ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung rất quý mến ông Hai Biệu bởi tánh tình chân chất, hiền hòa, lại sẵn lòng làm việc thiện, giúp người nghèo. Đặc biệt ông là một trong những nghệ nhân cao niên nhất ở xứ Lai Vung biết rành rẽ 3 ngón đờn trong bộ đờn ca tài tử Nam bộ, đó là đơn cò, đờn gáo và đờn ghi ta.


Trong 3 ngón đờn tài tử thì ông tỏ ra say mê hơn cả là ngón đờn cò, theo như cách gọi của các thầy đờn ngày xưa là đờn Nhị, tức là đờn 2 dây. Đờn cò rất ít bày bán đại trà, mà thường do chính nghệ nhân tạo tác bằng việc tự sưu tầm và gia công thiết kế, có khi phải đến những nơi xa mới tầm được những vật liệu cần có để hoàn thiện nên cây đàn ưng ý.

Có lẽ vì vậy mà ông Hai Biệu rất quý chuộng cây đờn như vật bảo bối gia truyền. Tiếng đờn cò của ông nghe mượt mà, ngọt lịm. Ông cho biết, đờn cò cũng có điệu buồn, điệu vui, chứ chẳng như nhiều người nghĩ rằng chỉ có buồn thảm xót xa.

"Hai Biệu đờn cò" đã thành danh không chỉ ở CLB đờn ca tài tử xã Vĩnh Thới, các xã lân cận, Liên hoan đờn ca tài tử do huyện và tỉnh Đồng Tháp tổ chức, mà còn mang về cho ông nhiều lời trầm trồ ngợi khen từ các sân chơi lớn của Liên hoan đờn ca tài tử khu vực đồng bằng sông Cửu Long và miền Tây Nam bộ. Ngoài những tiết mục hợp xướng thì tiết mục độc tấu đờn cò của nghệ nhân Hai Biệu luôn giành thứ hạng cao trên các sân khấu trình diễn.

Tiếng đờn cò của nghệ nhân cao niên này cũng đã góp phần mang lại danh tiếng cho đờn ca tài tử Lai Vung nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng suốt mấy mươi năm nay. Đây cũng là niềm tự hào của xứ sở được cho là một trong những chiếc nôi của đờn ca tài tử Nam bộ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - thành viên CLB đờn ca tài tử xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung cho biết: "Bà con ở đây rất là quí mến tiếng đờn ông Hai Biệu. Có rất nhiều người ái mộ tiếng đờn của ông mà đến sinh hoạt với CLB.". Còn anh Nguyễn Tùng - Phó chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử huyện Lai Vung nói: "Về Lai vung, nói đến đờn cò là nói tới ông Hai Biệu. Tiếng đờn của ông thể hiện sự mực thước, chỉnh chu, không lai tạp như một số nghệ nhân khác."

Điều mà nghệ nhân Hai Biệu trăn trở băn khoăn lâu nay là vẫn chưa truyền được ngón đờn cho một đệ tử nào thành danh trên chiếu đờn ca tài tử quê nhà. Mặc dù ông cũng đã tham gia tổ chức 5 nhóm dạy đờn, chủ yếu là đờn cò cho CLB của xã và các xã lân cận, rất nhiều người hăng hái theo học, nhưng lần hồi đã rơi rụng dần, do bận công việc đồng án hoặc không thể chịu khó nắn nót từng âm, vậy nên chưa có bạn trẻ nào đeo đuổi đến cùng để thành nghệ nhân đờn ca tài tử.

Dẫu buồn, nhưng ông không bỏ cuộc. Tuổi càng cao thì ngón đờn của ông càng thêm mùi mẫn, đậm dà. Cứ chiều chiều góc chiếu bên hông nhà ông lại có thêm nhiều khách đến chơi, nhâm nhi ngụm trà, thả hồn vào những âm thanh trầm bổng ngọt lịm thân quen.

Ngọc Hoa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn