Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII)
Xây dựng con người phát triển toàn diện
Cập nhật ngày: 15/05/2013 05:03:37
Ngày 16/7/1998, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết ra đời đã nhanh chóng được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh triển khai thực hiện và trở thành nội dung sinh hoạt chính trị sâu rộng của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân.
Đến nay, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết, tỉnh Đồng Tháp có số gia đình văn hóa tăng trên 30%; khóm, ấp văn hóa tăng trên 40%; xã, phường, thị trấn văn hóa tăng trên 50%; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa tăng trên 90%. Tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, người dân được rèn luyện, giáo dục, bồi dưỡng, từng bước được nâng lên, tinh thần yêu nước, thương nòi thể hiện sâu sắc. Rõ nét nhất là qua hai lần lũ lớn (năm 2000 và 2011) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều tấm lòng, nghĩa cử đùm bọc, giúp đỡ, tài trợ của cải, vật chất cho nhiều bà con bị thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Bên cạnh đó, trong 15 năm qua, các thành phần xã hội đã có sự đóng góp vô cùng to lớn, cùng với Nhà nước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn (cầu, đường, trường, trạm, điện, chợ,...) với giá trị hàng ngàn tỉ đồng đã đem lại bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, cảnh lầy lội, giao thông cách trở, giao thương khó khăn đã không còn. Tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau thoát nghèo được nhân dân hưởng ứng, hằng năm toàn tỉnh có trên 3.000 hộ nghèo được xây dựng nhà tình thương đã khẳng định tinh thần đoàn kết trong cộng đồng xã hội.
Lĩnh vực văn học nghệ thuật luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm bằng các chính sách đầu tư, khen thưởng, tôn vinh Giải thưởng Nguyễn Quang Diêu đã kích thích, cổ vũ các nghệ nhân, tác giả miệt mài sáng tác với nhiều tác phẩm đa dạng về thể loại, chủ đề, nhằm phản ánh hiện thực xã hội, ca ngợi các gương điển hình, tiên tiến để phục vụ công tác giáo dục đạo đức, nhân cách con người.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện tốt với việc khôi phục tái hiện lại di sản văn hóa phi vật thể như: lễ hội cúng đình, lễ hội Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc Binh Kiều, Đốc Binh Vàng,... hoặc khảo sát, lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp quốc gia, 50 di tích cấp tỉnh. Thành tựu của khoa học công nghệ trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội cũng đã phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua. Đó là sự nỗ lực, phấn đấu, sự sáng tạo của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, với hàng trăm đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào lao động, sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt đạt hiệu quả cao.
Sự nghiệp giáo dục-đào tạo đã đóng góp tích cực cho chương trình đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Bên cạnh việc dạy chữ, dạy người, ngành giáo dục đào tạo còn cung ứng cho xã hội một lực lượng lao động ngày càng có chất lượng cao trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Hoạt động thông tin đại chúng của tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến công chúng, nhằm tạo ra sự đồng thuận, thống nhất về ý chí và hành động của toàn dân để xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời các cơ quan thông tin đại chúng còn tôn vinh, biểu dương các cá nhân, tập thể tiêu biểu, tạo động lực thi đua yêu nước trong toàn xã hội, bên cạnh còn phê phán, lên án những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật.
Con người mãi mãi là nhân tố trung tâm của mọi vấn đề, của mọi thời đại, từ cổ chí kim, con người làm nên tất cả, trong đó có nền văn hóa của dân tộc. Trong tất cả các khái niệm về văn hóa thì vai trò của con người là quyết định, chính vì vậy Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) tập trung chăm lo cho con người phát triển toàn diện sẽ là nền tảng, là cơ sở để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một tất yếu khách quan.
Huỳnh Văn Bé