Phần mộ của học giả Nguyễn Hiến Lê ở Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 08/05/2013 05:01:31

Học giả Nguyễn Hiến Lê (Sinh năm 1912) ở làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội).

Năm 1934, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công chính Hà Nội rồi vào làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, rồi toàn quốc kháng chiến, ông tản cư về Đồng Tháp, Long Xuyên và đi dạy học. Năm 1952 thôi dạy học, ông lên Sài Gòn sinh sống, mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác, viết báo.


Viếng mộ cụ Nguyễn Hiến Lê

Ông lâm bệnh và mất lúc 8 giờ 50 phút ngày 22/12/1984 tại Bệnh viện An Bình, Chợ Lớn, thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 73 tuổi. Linh cữu của ông được hỏa thiêu vào ngày 24/12/1984 tại đài thiêu Thủ Đức.

Nguyễn Hiến Lê kết hôn lần thứ hai với bà Nguyễn Thị Liệp ở Long Xuyên vào năm 1956. Cuộc hôn nhân này kéo dài tới năm 1984 khi ông Lê mất. Theo di nguyện, hài cốt của ông được con cháu hỏa táng tại đài thiêu Thủ Đức và được bà Nguyễn Thị Liệp mang về nhang khói tại khu đất nhà nằm trên đường Tôn Đức Thắng - thành phố Long Xuyên. Di cốt của Nguyễn Hiến Lê đựng trong một cái tĩn sành và chôn vào tháp bảo đồng trước sân nhà bà Liệp, nơi sinh thời ông vẫn hay ra đây cuốc đất, trồng hoa trong những ngày về nghỉ ngơi ở Long Xuyên.

Tháp hình lục giác, có 3 tầng tượng trưng cho tam qui: Phật, Pháp, Tăng. Bên dưới to rộng, bên trên nhỏ lại với nắp là tượng một bông sen có 3 lớp cánh nở tươi. Tĩn tro có ảnh của ông được đặt ở tầng dưới cùng, trong một hộc xây hướng vô nhà, có kính che bên ngoài. Sau đó được thay bằng đá cẩm thạch có in ảnh của ông.

Lo hậu sự cho chồng xong, bà Liệp giao nhà cửa và phần mộ ông lại cho hai người cháu gái trông nom và vào chùa Quảng Đức - Long Xuyên tu hành với pháp danh Thích nữ Huệ Đức (bà là đệ tử của sư ông Thích Nhựt Phú, trụ trì chùa Phước Ân ở rạch Cai Bường, xã Vĩnh Thạnh, Lấp Vò, Đồng Tháp). Vì vậy, khi bà Liệp qua đời tại Long Xuyên vào năm 1999, theo di nguyện để lại, hai người cháu của bà đã xin với hòa thượng Thích Nhựt Phú cho phép được an táng bà trong khuôn viên chùa Phước Ân.

Ngày 28/5 âm lịch năm Kỷ Mão (1999), an táng bà Liệp xong thì hai ngày sau, di cốt của ông Nguyễn Hiến Lê được đưa từ Long Xuyên sang và đặt ngay phía trên phần mộ bà Liệp. Tháp vẫn được xây giống hình dạng ở Long Xuyên với hoa sen có 3 cánh nở tươi và cẩn tấm bia cũng từ bảo tháp đồng ở Long Xuyên mang qua.

Theo lời của cô Út - người đã 37 năm làm công quả ở chùa Phước Ân và hàng ngày nhang khói khu nghĩa trang trong khuôn viên nhà chùa thì từ khi ông Nguyễn Hiến Lê được cải táng ở đây, năm nào cũng có nhiều đoàn người từ khắp nơi đến viếng mộ. Có người đến do cảm phục tài năng văn chương của ông, có người là học trò cũ, có người là thân nhân gia đình ông. Thậm chí có những đoàn khách đến chùa, mặc trên người chiếc áo sau lưng có in hình ông. Chỉ riêng từ ba tháng nay mà đã có hàng chục đoàn khách lên đến cả trăm người đến viếng phần mộ.


Bài vị cụ Nguyễn Hiến Lê trong chùa Phước Ân

Cuộc đời ông như một sự sắp đặt kỳ lạ của tạo hóa. Ông bắt đầu văn nghiệp của mình bằng một quyển sách viết về Đồng Tháp. Như trong lời tựa quyển sách ông viết: Bác Ba tôi từ năm 1913 hay 1914, phải lẻn về làng Tân Thạnh (làng Tân Thạnh lúc đó thuộc tỉnh Long Xuyên, nay là xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) ở ven Đồng Tháp Mười để tránh bọn mật thám Sài Gòn, rồi lập nghiệp ở đó, nên biết được cảnh hoang vu của Đồng Tháp hồi đầu thế kỷ, kể cho tôi nghe nhiều chuyện về dân tình, lối sống, thổ sản miền đó; sau đó tôi lại đi đo trong Đồng Tháp trong một thời gian rồi đi kinh lí nhiều lần từ Hồng Ngự tới Tân An; về Sài Gòn tôi đọc thêm được nhiều tài liệu của Sở Thủy lợi, mua được cuốn La Plaine des Joncs của V. Delahaye, nhờ vậy tôi biết được khá nhiều về Đồng Tháp”.

Cuốn sách phải ba chìm bảy nổi theo thời vận của nước non hồi ấy mới đến được với người đọc cũng như cuộc đời ông sau khi mất phải đến ba lần thay đổi, học giả Nguyễn Hiến Lê lại trở về an nghỉ vĩnh hằng trong một ngôi chùa ở Đồng Tháp.

H.N

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn