Khai thác tiềm năng để phát triển văn học nghệ thuật tỉnh nhà

Cập nhật ngày: 01/05/2013 04:51:29

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, văn học - nghệ thuật (VHNT) Đồng Tháp đã đạt được nhiều thành tựu xuất sắc.

Trải qua gần 30 năm kể từ khi Hội VHNT tỉnh được thành lập, nền VHNT tỉnh nhà đã kế thừa và phát triển sự nghiệp VHNT vốn có từ trong kháng chiến. Lực lượng sáng tác VHNT cũng khá hùng hậu với trên 300 hội viên hoạt động ở các chuyên ngành, trong đó có không ít hội viên được nhiều người biết đến như: Thu Nguyệt, Thai Sắc, Hữu Nhân, Nguyễn Huỳnh Hiếu, Nguyễn Đắc Hiền (Văn học), Thanh Tùng, Thanh Hùng, Thanh Hà, Bạch Phần (Sân khấu), Bùi Bé Tư, Đoàn Hồng, Thảo Nguyên, Khắc Hiếu, Hoàng Dũng, Lâm Viên (Nhiếp ảnh), Hữu Hiếu, Nhất Thống, Ngô Bé (Văn nghệ dân gian),...


Một buổi triển lãm ảnh tại Hội văn học nghệ thuật Đồng Tháp

Các tác giả sáng tác nhiều tác phẩm khắc họa sinh động đời sống xã hội, mang nét đặc trưng của đất và người Đồng Tháp, được tặng nhiều giải thưởng trong các cuộc thi khu vực, toàn quốc và quốc tế. Đó là những thành tựu rất đáng trân trọng, tuy nhiên để hoạt động VHNT tỉnh nhà phát triển mạnh cả bề rộng lẫn chiều sâu, những người làm công tác lãnh đạo VHNT và lực lượng sáng tác cần khai thác những tiềm năng vốn có về vùng đất, con người địa phương.

Từng sống và học tập trong chiến khu Đồng Tháp Mười, nhà văn Lê Văn Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có nhiều ký ức về tuổi thơ nơi này. Khi nói về vùng đất Đồng Tháp Mười ngày nay và những kinh nghiệm sáng tác viết về Đồng Tháp Mười, nhà văn Lê Văn Thảo cho rằng, Đồng Tháp Mười mãi mãi là địa danh của những trang sử ghi danh những sự tích, huyền thoại con người, cuộc sống ở đây. Lực lượng sáng tác ở Đồng Tháp cần miêu tả con người trong cuộc sống mới, cùng lúc với những câu chuyện, những sự tích đã qua, những vấn đề ở vùng đất này như: nông thôn và thành thị, tốc độ công nghiệp hóa,...

Theo nhà thơ Lê Tú Lệ, "mảnh đất" VHNT Đồng Tháp vô cùng màu mỡ, cái chính là vấn đề cày xới, vun trồng, khai thác như thế nào để có được mùa màng bội thu. Để có "thu hoạch" từ mảnh đất này, còn có yếu tố cần tính đến đó là sự liên kết, phối hợp hoạt động VHNT giữa các địa phương (kể cả các đơn vị Trung ương) vì VHNT mà khu biệt sẽ kém phát triển.

Ví Đồng Tháp như một phim trường lớn cần được khai thác bởi nơi này có nhiều phim đã từng được quay, kể cả phim tài liệu lẫn phim truyện, nhà biên kịch - đạo diễn Dương Cẩm Thúy, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, phát triển điện ảnh hay phim ảnh nói chung, bao gồm cả phim truyền hình ở Đồng Tháp rất thuận lợi vì đề tài nơi này vô cùng phong phú, người dân nơi đây yêu thích VHNT, phim ảnh; Đồng Tháp có hàng loạt thắng cảnh, di tích lịch sử để phát triển du lịch cần được khai thác; Đồng Tháp cũng có sẵn các truyện ngắn, truyện dài đã in thành những tập có giải thưởng VHNT, ta có thể tập hợp những tác phẩm ấy để chuyển thể thành kịch bản phim.

Để phát triển phim ảnh Đồng Tháp, theo nhà biên kịch - đạo diễn Dương Cẩm Thúy, Đồng Tháp phải có chiến lược phát triển phim ảnh cho địa phương mình. Cần lập quy hoạch cho điện ảnh phát triển toàn diện, các ngành liên quan cùng phối hợp Hội VHNT tỉnh xây dựng một đề án chiến lược để phát triển VHNT, điện ảnh, trong đó có công tác quy hoạch đào tạo con người và tạo nguồn kịch bản để có nhiều kịch bản hay về vùng đất, con người Đồng Tháp.

Trong hoạt động phổ biến tác phẩm, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Hiền - nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, đối tượng thưởng thức VHNT ở tỉnh rất đông đảo, có thể kể đến học sinh, sinh viên các trường THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học, khách du lịch tại các điểm du lịch trong tỉnh, hàng trăm câu lạc bộ đờn ca tài tử,... nhưng hoạt động phổ biến tác phẩm đến các đối tượng này vẫn còn khiêm tốn và trong phạm vi hẹp, đòi hỏi ngành VHNT tỉnh nhà cần tìm ra được nhiều cách hay để cho việc hưởng thụ các tác phẩm VHNT của nhân dân trong và ngoài tỉnh ngày càng đông đảo, rộng rãi hơn.

H.Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn