Cần sớm có khu lưu niệm riêng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cập nhật ngày: 12/10/2013 05:30:25

Khu lưu niệm không chỉ góp phần tôn vinh Đại tướng, mà còn góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ nhiều bài học quí.

Không chỉ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời mới có những ý kiến về việc cần có một khu lưu niệm riêng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà đây là mong mỏi của giới sử học, nhiều nhà trí thức và đông đảo các tầng lớp nhân dân từ nhiều năm nay. Khu lưu niệm này không chỉ góp phần tôn vinh Đại tướng, mà còn góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ nhiều bài học quí.

Nhà sử học Dương Trung Quốc (Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học - Lịch sử Việt Nam khẳng định, việc tôn vinh Đại tướng tất yếu sẽ được tiến hành theo những chủ trương của Nhà nước như đặt tên đường phố, quảng trường, tượng đài... Giới sử học Việt Nam từ lâu đã mong mỏi có một khu lưu niệm riêng về Đại tướng, mà ngôi nhà hiện tại trên đường Hoàng Diệu chính là địa chỉ hợp lý nhất.


Căn nhà 30 Hoàng Diệu

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: "Giới sử học chúng tôi đã trình kiến nghị lên các cơ quan có trách nhiệm để hòa chung nguyện vọng của nhân dân, để cố gắng lưu niệm lại một không gian có giá trị, hết sức có ý nghĩa. Đó chính là ngôi nhà 30 Hoàng Diệu - nơi Đại tướng cùng gia đình đang sống. Căn nhà gắn với tên tuổi của Đại tướng từ sau khi giải phóng Thủ đô, gần tròn 60 năm. Đây cũng là nơi đi lại, họp hành, trao đổi với các tướng lĩnh cao cấp, để lại dấu ấn sâu đậm với những người đồng đội, các cựu chiến binh, và các tầng lớp nhân dân hàng năm, hàng ngày đến thăm Đại tướng. Việc giữ lại nhà lưu niệm này không chỉ lưu niệm một cá nhân xứng đáng của lịch sử mà cả một thời kỳ của lịch sử để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử dân tộc.

Ngoài căn nhà của Đại tướng sẽ trưng bày các hiện vật lưu niệm như một bảo tàng danh nhân thì có thể làm vườn tượng chân dung các vị tướng lĩnh có công trong các cuộc kháng chiến, chắc chắn sẽ góp phần tôn vinh giá trị của không gian Ba Đình lịch sử, gắn với khu vực liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long và không gian nhà Quốc hội gần đó".

Đồng quan điểm này, PGS-TS Phạm Xanh (Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết: “Tôi cho rằng, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có hai nơi mà chúng ta cần quan tâm. Thứ nhất là căn nhà ở làng An Xá (Lệ Thủy, Quảng Bình) đó là di tích gắn với thời trẻ của Đại tướng. Nhân cách của một con người gắn chặt với nơi sinh ra, với quê hương. Nơi thứ hai là căn nhà 30 phố Hoàng Diệu - nơi Đại tướng gắn bó cả cuộc đời mình, nơi ông có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Chúng tôi mong muốn giữ gìn hai nơi đó, để nó đi vào cuộc sống của chúng ta hôm nay và con cháu mai sau”.

PGS Hoàng Xuân Chinh - Chủ tịch danh dự Hội khảo cổ học Việt Nam nêu ý kiến: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi sâu vào trong lòng dân. Sau cụ Hồ, có lẽ Đại tướng là người để lại tình cảm sâu đậm trong lòng nhiều tầng lớp nhân dân. Đại tướng là người dạy sử, tham gia nhiều hoạt động khoa học. Đại tướng có mối quan hệ rộng rãi với các giới trong nước và đông đảo bạn bè quốc tế. Tôi nghĩ, căn nhà của Đại tướng là nơi để lại dấu ấn của đại tướng nhiều nhất. Chúng ta nên biến nó thành Bảo tàng tư nhân về Đại tướng, chứ nếu làm một bảo tàng khác thì cũng không hay lắm”.

Theo các nhà sử học, các trí thức, thì việc vinh danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cơ hội để chúng ta nhắc lại và vinh danh cả một thế hệ xuất sắc, mà Đại tướng là người ra đi cuối cùng. Các hình thức vinh danh ấy không chỉ là tôn vinh những tấm gương để các thế hệ sau tri ân các bậc tiền nhân, mà qua đó cũng để lại nhiều bài học quí giá cho các thế hệ sau./.

Mai Hồng/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn