Cây sào bên kia sông
Cập nhật ngày: 03/10/2012 08:22:17
Vườn nhà nội tôi không xa bờ sông Hậu. Ngày đêm có thể nghe tiếng sóng lao xao ngoài bãi nga vọng vào cây lá. Con rạch nhỏ chảy quanh vườn nhà nội cần mẫn mang nước lớn ròng đôi bận theo nhịp thời gian. Cha nói, ông dành cả đời khai khẩn và lập nghiệp trên vùng đất này. Vườn nhà nội rộng, bờ tăm tắp cao vượt qua bao mùa lũ, mỗi con mương là một nét quê mùa khác biệt. Đẹp nao nao. Mương tròn cạnh nhà, ông làm cho bà sàn nước rộng chừng hai mảnh đệm, lót bằng thân cau già chẻ đôi. Một hàng lu khạp nằm bên góc sàn, quanh năm chứa nước trong vắt. Nhà có đám, má cùng các thím, các cô ngồi trên sàn nước chuẩn bị các món ăn. Chuyện ruộng vườn, chuyện con cháu lẫn trong tiếng cười rộn rã. Ông bắc chiếc cầu ván thoai thoải bên cạnh sàn nước. Anh em chúng tôi hay ngồi câu cá quên cả giấc trưa. Bà bảo ông nằm canh chừng đám cháu, một lúc đã nghe tiếng thở đều trên chiếc võng dưới hàng cau đầy hoa trắng. Gió cũng miên man say trong hương ổi chín... Mương vuông nằm cạnh khoảng sân trước. Mùa nào cũng vậy, bông súng đùa nô cùng nhiều loại cá bà nuôi lưu niên. Mỗi lúc triều xuống, đám bông súng như dỗi hờn, ngã nghiêng nằm trên mép bờ hong nắng. Nội không cho câu cá ở mương vuông, vì nó rất sâu và vì loại cá nào cũng to quá khổ so với cần trúc mong manh của chúng tôi. Mương dài thì nhiều vô kể. Mỗi bờ mỗi con mương, sâu và dài hun hút. Bên bờ cam là mương rau nhút thả phao trắng bềnh bồng. Bờ xoài cát là mương rau muống đỏ, cọng to và non nhuốt. Con mương ngang cuối vườn dày đặc lục bình. Mỗi mùa cạn ông xả bọng một lần. Đám lục bình được kéo lên làm phân cho cây, nước chảy về sông, đáy bùn phơi ra không biết bao nhiêu là cá đồng các loại.
Vùng cù lao ngọt vị phù sa này còn có những mùa bắp, mùa khoai, mùa đậu nối tiếp nhau. Xóm làng sung túc, yên ả bên sông Hậu hiền hòa. Nhưng cũng có lúc sông trở nên khác biệt. Đó là khi nó phải hứng chịu những cơn lũ đầu nguồn tuôn trào dữ dội. Tôi còn nhớ như in chuyến vượt sông Hậu trong trận giông to gió lớn. Ăn cơm chiều xong, cha và các chú tôi quyết định vượt sông trở lại nhà bên bờ Lai Vung. Bà nội can ngăn mãi không được, đành cho anh em chúng tôi theo về. Xuồng máy koler 4 tì tạch, chao nghiêng khi chớm khỏi vàm, lao vào sông Hậu mênh mông sóng nước. Bà nội không an lòng, chống xuồng ra vàm, dõi theo đám con cháu. Bà cắm xuồng bên bãi nga, tay bám vào chiếc sào tre run rẩy theo nhịp sóng hung hăng. Mắt bà dường như không chớp. Tôi ngoái nhìn bà, câm lặng vì cơn sợ hãi trẻ con bắt đầu trỗi dậy khi xuồng máy mỗi lúc một xa bờ. Xuồng chưa qua được nửa dòng Hậu giang, sóng nổi cơn cuồng nộ. Anh em chúng tôi bắt đầu tím tái trong cơn sợ hãi, khóc thét lên. Nước ập vào xuồng, cha tôi tát ra không kịp... Rồi xuồng chúng tôi cũng về bến an toàn. Người lớn giấu miết trong lòng sự sợ hãi để chở che cho con trẻ. Đêm đó, tôi ngủ một giấc chập chờn, mộng mị cùng những cơn sóng cao. Hôm sau cả nhà mới hay tin bà nội trở cơn đau tim nặng...
Bây giờ, khi ngang qua vùng sông nước này, không còn thấy những bờ nga, lau sậy hoang phế ven sông. Đôi bờ sông Hậu rực lên một sức sống mới của vùng sản xuất hàng hóa. Những khu, cụm công nghiệp, những vùng trang trại nuôi trồng thủy sản, chuyên canh cây ăn trái đã và đang làm giàu cho người dân miền sông nước. Từ bến đò Tân Thành nhìn sang vùng cồn Tân Lộc, lòng chợt nhớ cây sào tre với dáng gầy của nội. Với nơi này, tôi vẫn mãi còn là một đứa trẻ quê.
Nguyễn Phạm Đình Thảo