Chợ quê - nơi giao thương và gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa
Cập nhật ngày: 15/09/2024 10:46:49
ĐTO - Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh phát triển mô hình chợ quê, thu hút đông đảo người dân, du khách gần xa đến tham quan, mua sắm, thưởng thức những món ăn truyền thống. Điều này góp phần thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân và quảng bá hình ảnh quê hương Đất Sen hồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ trái sang) thăm mô hình Chợ quê Tân Thuận Đông (TP Cao Lãnh)
Trải qua gần 2 năm hoạt động, Chợ quê Tân Thuận Đông (TP Cao Lãnh) ngày càng tạo sức hút đối với du khách gần xa. Mô hình này hoạt động đều đặn từ 14 giờ - 20 giờ vào thứ Bảy hàng tuần, với hơn 70 hộ dân tham gia kinh doanh bán hàng. Hầu hết tiểu thương mua bán tại đây là người dân địa phương, hàng quán là những căn chòi nhỏ, đơn sơ với mái lá, vách tre... Đa số những món hàng được bày bán đều do người dân tự tay chế biến.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), qua thời gian hoạt động, Chợ quê cù lao Tân Thuận Đông đang dần mở rộng về quy mô và chất lượng hoạt động từ cơ sở vật chất, kinh nghiệm tổ chức, nguồn lực tham gia làm du lịch tại địa phương. Qua đó, các sản phẩm trưng bày tại các phiên chợ phong phú, hấp dẫn, thu hút lượng lớn du khách từ các nơi, được nhiều người biết đến thông các kênh truyền thông, mạng xã hội... Qua đó cho thấy nhu cầu trải nghiệm của du khách là rất lớn.
Với những nét hấp dẫn riêng của mô hình chợ quê, Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Long Thuận (huyện Hồng Ngự) tổ chức phiên Chợ quê xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự. Thời gian hoạt động của phiên chợ quê này diễn ra từ 14 giờ - 21 giờ thứ Bảy hàng tuần. Với 80 quầy tham gia buôn bán, mỗi phiên chợ thu hút khoảng 1.200 lượt người tham quan, mua sắm.
Ông Dương Minh Sang - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Long Thuận, chia sẻ: “Để đảm bảo phục vụ du khách, chúng tôi quán triệt cho các hộ mua bán phải chấp hành tốt nội quy như: niêm yết giá, trang phục gọn gàng; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường. Qua từng phiên chợ quê là dịp để quảng bá sản phẩm tiêu biểu của địa phương, phục vụ nhu cầu giao lưu văn hóa, văn nghệ, giải trí của người dân. Qua đó, góp phần thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm; tạo việc làm cho bà con vùng quê...”.
Theo Sở VH,TT&DL, toàn tỉnh hiện có 6 mô hình chợ quê đang hoạt động. Thời gian qua, các mô hình chợ quê họp định kỳ theo tuần hoặc tháng, trở thành địa điểm thú vị, thu hút khách du lịch. Mô hình chợ quê hoạt động là một nét chấm phá mới, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch. Mô hình chợ quê được tỉnh xây dựng theo hình thức mô hình trải nghiệm du lịch nông nghiệp. Hiệu quả của các mô hình chợ quê còn giúp liên kết nhà vườn với các điểm bán sản phẩm đặc sản, hộ kinh doanh dịch vụ. Sự sáng tạo này thu hút được sự chú ý của các cơ quan truyền thông. Đặc biệt là một số doanh nghiệp lữ hành quan tâm đến khảo sát, đưa vào trong chương trình tour du lịch...
Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH,TT&DL, cho biết: “Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành với các Ban quản lý/điều hành các mô hình chợ quê trên địa bàn tỉnh nhằm hoàn chỉnh các mô hình. Qua đó đưa chợ quê không chỉ là nơi giao thương mà là nơi gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, kết nối cộng đồng, thu hút khách du lịch. Đồng thời để chợ quê trở thành một điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới, từng bước đưa các giá trị văn hóa thành sản phẩm kinh tế góp phần vào sự phát triển của địa phương”.
Nhật Nam