Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ di tích
Cập nhật ngày: 21/09/2016 14:09:37
ĐTO - Đồng Tháp hiện có trên 73 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 1 di tích Quốc gia đặc biệt và 14 di tích cấp Quốc gia, 58 di tích cấp tỉnh. Những năm gần đây, bên cạnh di tích xuống cấp theo thời gian, không ít di tích chịu ảnh hưởng thiên tai do biến đổi khí hậu (BĐKH).
Du khách tham quan Khu di tích Gò Tháp nghỉ chân do thời tiết oi bức dịp hè
Hiện tượng thời tiết nguy hiểm như nắng nóng, mưa to, giông lốc,... thời gian qua đã ảnh hưởng đến nhiều di tích trên địa bàn tỉnh, trong đó có di tích cấp Quốc gia. Đình Long Khánh (trước đây tọa lạc tại ấp Long Phước, xã Long Khánh A) tồn tại trên 100 năm. Tuy nhiên, đến năm 2009 do sạt lở đất, đình được dời về ấp Long Hậu. Hiện nay, nhiều nhà cổ trên địa bàn tỉnh đang xuống cấp do thời tiết nắng nóng, giông lốc. Những năm gần đây, do thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài khiến Vườn Quốc gia Tràm Chim (di tích lịch sử hạng mục danh lam thắng cảnh) ít nhiều chịu tác động trực tiếp. Tiến sĩ Ngô Bé, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học - Đại học Đồng Tháp, là người có nhiều đề tài nghiên cứu phát triển vùng Đồng Tháp Mười cho biết, BĐKH gây hiện tượng thời tiết cực đoan có ảnh hưởng đến Vườn Quốc gia Tràm Chim như xảy ra cháy rừng; nước lũ về ít ảnh hưởng đến sinh vật, gây mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng đến cỏ năn - nguồn thức ăn của sếu đầu đỏ, khiến lượng sếu về Vườn Quốc gia Tràm Chim ngày càng giảm. Nhìn toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tuy Đồng Tháp chịu ảnh hưởng BĐKH ít hơn do không bị xâm nhập mặn, nhưng nắng nóng, giông lốc,... tác động, làm xuống cấp di tích.
Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của BĐKH đối với các di tích, điểm tham quan trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cùng các đơn vị liên quan đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm ứng phó. Theo đó, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, triển khai sâu rộng việc thực hiện ứng phó BĐKH đến các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức: tổ chức các hoạt động thông qua bảng chữ điện tử, đèn Led tại trung tâm đô thị, tuyên truyền trên trang tin điện tử, trạm truyền thanh, băng rôn, thư viện cấp huyện qua việc trưng bày, giới thiệu các tài liệu phục vụ công chúng có nội dung liên quan phòng, chống thiên tai, ứng phó BĐKH; lồng ghép vào các buổi họp tổ, khóm, ấp và giao lưu sinh hoạt văn nghệ, đờn ca tài tử,... Ngoài ra, còn tuyên truyền đến nhân dân tham gia thực hiện ứng phó BĐKH thông qua hoạt động tổ chức và tham gia lễ hội tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng bằng việc thắp hương đúng nơi qui định, không đốt vàng mả, không vứt rác bừa bãi, thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.
Tại các di tích, khu điểm du lịch trong tỉnh, đặc biệt là các di tích, khu điểm du lịch quan trọng và có nguy cơ chịu sự tác động lớn, trực tiếp của BĐKH như: di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, các địa điểm tiếp đón nhiều du khách và là vùng đất thấp, khu vực ven sông hoặc gắn với rừng cây,... đều được triển khai thực hiện nghiêm túc. Tùy vào điều kiện và tình hình thực tế của mỗi địa phương và đơn vị, những tháng gần đây các đơn vị liên quan đã triển khai thực hiện ứng phó BĐKH đạt được nhiều kết quả khả quan như: thực hiện rà soát, bổ sung trang thiết bị máy phòng cháy, chữa cháy; gia cố, tăng cường khả năng chịu lực để kéo dài tuổi thọ của các công trình di tích, hạ tầng phục vụ du lịch; duy trì các hoạt động bơm nước tạo độ ẩm chống cháy, đê bao ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ nước lụt, mưa bão hay nhiệt độ tăng cao khi diễn biến khí hậu. Tại các Khu di tích, điểm tham quan, việc cắt tỉa cành tán cây xanh, nhánh khô của cây cao, cổ thụ, hoa kiểng được thực hiện thường xuyên nhằm hạn chế nguy cơ gây mất an toàn đối với du khách; trồng bổ sung cây chắn gió ở các tuyến vành đai để hạn chế giông lốc gây tác hại đến kiến trúc di tích, công trình phục vụ dịch vụ lữ hành và bảo đảm hạn chế thấp nhất sự hư hại và xuống cấp di tích.
Theo Sở VH,TT&DL, việc thực hiện ứng phó BĐKH của các địa phương, đơn vị quản lý di tích, khu điểm du lịch trong thời gian qua đã giúp người dân nhận thức rõ tác động tiêu cực của BĐKH, làm ảnh hưởng đến đời sống của con người, ảnh hưởng đến di tích lịch sử văn hóa, khu điểm du lịch nói riêng, các thiết chế VH,TT&DL nói chung. Từ đó, từng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường cũng như tham gia vào các chương trình vận động xã hội hóa, đóng góp nhân lực và tài lực để xây dựng bảo vệ an toàn nhiều di tích, khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Việc ứng phó với BĐKH là việc làm thường xuyên, lâu dài. Tại Đồng Tháp, đôi lúc vẫn còn xảy ra tình trạng săn bắt trái phép, xả rác gây ô nhiễm môi trường tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nên việc thực hiện ứng phó BĐKH ở một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, thời gian tới đòi hỏi ngành VH,TT&DL và các đơn vị liên quan đặc biệt chú trọng tuyên truyền ứng phó BĐKH nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành trong bối cảnh BĐKH.
Như Anh