Công trình kiến trúc Đền thờ Ông Bà Chủ chợ Cao Lãnh
Cập nhật ngày: 15/07/2013 05:13:25
Đền thờ Ông Bà Đỗ Công Tường (còn gọi là Ông Bà Chủ chợ Câu Lãnh, sau này nhiều người dân nói thành ra là Cao Lãnh) tọa lạc trên đường Lê Lợi, phường 2, TP.Cao Lãnh. Từ năm 2001, đền thờ Ông Bà Chủ chợ được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đền thờ là nơi người dân ở Cao Lãnh truyền đời hương khói phụng thờ tưởng nhớ công đức của Ông Bà Chủ chợ.
Khu Chánh điện được thi công hoàn tất
Nhằm nâng cấp mở rộng Đền thờ Ông Bà thêm đẹp đẽ, uy nghiêm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, sau thời gian chuẩn bị về kinh phí và các khâu khác, vào ngày 5/1/2012 Đền thờ đã được khởi công xây dựng mới. Đền thờ đã hoàn tất chánh điện để đưa vào phục vụ việc tổ chức lễ giỗ Ông Bà Chủ chợ lần thứ 193 (vào ngày 15, 16 và 17/7/2013, nhằm ngày mùng 8, 9 và 10 tháng 6 âm lịch). Còn nhà khách, nhà bếp, văn phòng Ban quản lý di tích và nhà cho ông từ ở sẽ được hoàn thành vào cuối năm.
Khu chánh điện Đền thờ được thiết kế theo kiểu kiến trúc mái chồng mái. Trong đó, Chánh điện có 7 khớp mái cao đến 24m, mái được lợp bằng ngói lưu ly được đặt hàng tại làng gốm Bát Tràng chuyển vào. Chánh điện Đền thờ được bố trí trang trọng với khánh thờ của Ông Bà đặt phía trong cùng khu chánh điện. Khánh thờ Ông Bà được chạm trổ tứ linh với lưỡng long tranh châu ở giữa tinh xảo sống động, được sơn son thếp vàng rực rỡ bởi bàn tay tài hoa của nghệ nhân được rước từ Chợ Thủ, Mỹ Luông (An Giang).
Phía trước Khánh thờ Ông Bà là bàn nghi và bàn trăm quan bằng gỗ quý được chạm trổ, thếp vàng. Phía trên có khuôn thần vọng đắp nổi hình tứ linh và trên nóc chánh điện Đền thờ có đắp nổi 3 hình trống đồng Ngọc Lũ với hình chim Lạc được làm rất tinh xảo. Trong Chánh điện có các bình bông, đôi hạc đứng chầu, phía trước cửa có các con lân bằng đá được đặt mua từ Đà Nẵng về. Các khuôn bao cửa ra vào khu chánh điện được làm bằng gỗ quý, trên cửa trám được chạm nổi hình tứ linh.
Khánh thờ Ông Bà Chủ Chợ trong chánh điện
Được biết, kinh phí xây dựng mới đền thờ có được từ nguồn tiền Ban quản lý di tích vận động trong cộng đồng nhân dân và được nhiều người dân ở tại TP.Cao Lãnh nhiệt tình đóng góp. Ngoài ra, còn nguồn tiền do người dân hiến cúng Đền thờ Ông Bà từ nhiều năm qua được Ban quản lý di tích tích lũy. Tổng cộng kinh phí xây dựng Đền thờ ước tính khoảng gần 18 tỷ đồng. Theo dự kiến, Đền thờ sẽ hoàn thành và làm lễ khánh thành vào ngày 12/12/2013.
Chú Phạm Văn Thuận - Trưởng Ban quản lý di tích Đền thờ Ông Bà Chủ Chợ cho biết, xây dựng được Đền thờ Ông Bà khang trang, mới đẹp là niềm vui mừng của người dân Cao Lãnh, bày tỏ lòng ghi nhớ ơn đức của Ông Bà đối với nhân dân. Đồng thời cũng là niềm tự hào của bà con nhân dân Cao Lãnh bởi đây còn là công trình kiến trúc xứng tầm với di tích lịch sử văn hóa của tỉnh nhà, sẽ làm điểm đến cho những ai có dịp về thăm Cao Lãnh.
Thanh Trúc
Tương truyền, vào năm Canh Thìn (1820) nạn dịch tả hoành hành làm nhiều người dân chết. Trước tình cảnh đó, Ông Bà đã lập bàn hương án, khấn nguyện giữa trời, xin chết thế mạng cho dân làng. Ông Bà bắt đầu ăn chay từ ngày mùng 6 tháng 6, để cầu nguyện cho dân làng thoát khỏi tai ương, đến mùng 9 thì Bà thọ bệnh rồi qua đời và qua ngày mùng 10 thì Ông cũng bệnh rồi mất. Sau khi dân làng lo an táng Ông Bà xong thì cũng thoát nạn dịch, dân chúng tin rằng sự thành tâm khấn nguyện của Ông Bà đã được trời phật chứng giám.
Để tưởng nhớ công đức của Ông Bà, ngôi chợ vườn quít trước đây do Ông Bà lập được gọi là chợ Câu Lãnh, lấy từ chức “Câu Đương” và tục danh “Lãnh” của Ông mà thành. Sau này, nhiều người nói trại ra thành Cao Lãnh cho đến nay. Dân chúng đóng góp công của để dựng ngay nơi hai ngôi mộ của Ông Bà một Miễu thờ. Từ đó có Ban tế tự trông coi tu bổ Miễu và cứ đến các ngày mùng 8, 9 và 10 tháng 6 âm lịch hàng năm, nơi đây làm lễ “Giỗ Ông Bà Chủ Chợ”. |