Đa dạng hóa hình thức hoạt động văn học, nghệ thuật ở vùng biên

Cập nhật ngày: 13/04/2023 05:21:27

ĐTO - Qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới (viết tắt là Nghị quyết số 23), các cấp ủy, chính quyền, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Hồng Ngự tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Qua đó, phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội ở huyện biên giới.


Hoạt động giao lưu Đờn ca tài tử của 5 xã : Thường Phước 1, Thường Phước 2, 
Thường Thới Tiền, Thường Lạc và Thường Thới Hậu A (huyện Hồng Ngự)

Đặc biệt, các tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh các giá trị tốt đẹp về nhân cách, lối sống cũng như phê phán cái xấu, góp phần giáo dục con người và định hướng xã hội có hiệu quả trên địa bàn huyện Hồng Ngự. Thông qua thực hiện Nghị quyết số 23 đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật. Bộ máy quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật được củng cố và kiện toàn; việc chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, văn nghệ sĩ làm công tác văn học, nghệ thuật luôn được quan tâm.

UBND huyện Hồng Ngự tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ như: mua sắm trang thiết bị chuyên dùng cho Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện; nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới các Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã, thị trấn. Đến nay, huyện Hồng Ngự có 8/10 Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã, thị trấn được xây dựng hoàn chỉnh và 41/41 khóm, ấp có nhà văn hóa. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh kịp thời các hoạt động kinh doanh dịch vụ có những biểu hiện lệch lạc trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhằm tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh trong Nhân dân.

Huyện Hồng Ngự phối hợp với ngành hữu quan tỉnh tổ chức Trại sáng tác về huyện Hồng Ngự, các văn nghệ sĩ đã sáng tác hàng chục tác phẩm tân nhạc và cổ nhạc giới thiệu, quảng bá rộng rãi trong và ngoài địa phương. Tiêu biểu có các tác phẩm như: “Ánh mắt vùng biên” - tác giả Minh Tuấn; “Hồng Ngự yêu thương” - tác giả Ngô Triều Dương; “Khăn thắm tình em” - tác giả Tấn Lực; “Hồng Ngự quê em” - tác giả Nguyễn Tùng; “Mời anh về Hồng Ngự” - tác giả Đỗ Hữu Nghĩa, “Hồng Ngự sống mãi niềm tin” - tác giả Thi Nga...) và hơn 50 tác phẩm nhiếp ảnh, góp phần quảng bá về vùng đất con người Hồng Ngự đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, huyện Hồng Ngự tổ chức các lớp hát dân ca và Hò Đồng Tháp nhằm bảo tồn, duy trì phát triển văn hóa phi vật thể của đất nước và của tỉnh. Riêng các ngành, đơn vị tại địa phương đều xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển, phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật trong các Trường THPT trên địa bàn. Bà Đặng Thị Yến Trinh - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hồng Ngự, cho biết: “Qua thực hiện Nghị quyết số 23, phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương những năm qua đã có sự phát triển mạnh mẽ, tạo sân chơi tinh thần lành mạnh, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, văn nghệ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân. Huyện Hồng Ngự cũng tổ chức nhiều hội thi, liên hoan, giao lưu đờn ca tài tử... thu hút đông đảo người dân đến xem, cổ vũ, góp phần bảo tồn phát huy nền văn hóa phi vật thể độc đáo của dân tộc.

Đến nay, huyện Hồng Ngự đã thành lập 1 Câu lạc bộ đờn ca tài tử cấp huyện, 10 Câu lạc bộ đờn ca tài tử cấp xã; 4 Câu lạc bộ hát với nhau, 10 Đội văn nghệ quần chúng tại các xã, thị trấn và 1 Đội thông tin tuyên truyền lưu động cấp huyện nhằm đa dạng hóa các hình thức hoạt động văn học, nghệ thuật ở vùng biên. Huyện Hồng Ngự cũng quan tâm đầu tư các hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật, có chính sách nhuận bút đối với cộng tác viên, tạo điều kiện để khuyến khích các văn nghệ sĩ, cộng tác viên tạo ra sản phẩm văn học, nghệ thuật.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn