Dấu ấn Bia tưởng nhớ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Cập nhật ngày: 26/02/2014 05:25:06

Vào mùa Đông năm Kỷ Tỵ (1929) tại làng Hòa An, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang (nay là xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), sau một cơn bạo bệnh, mặc dù được chăm sóc tận tình, nhưng cụ Nguyễn Sinh Sắc đã vĩnh biệt cuộc sống trong niềm thương tiếc vô hạn của đông đảo bà con cô bác làng Hòa An, Cao Lãnh. Nơi an nghỉ của cụ nằm cạnh miễu Trời Sanh (chùa Hòa Long), nay là Khu di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Nguyễn Sinh Sắc.


Bia tưởng nhớ cụ Nguyễn Sinh Sắc và tri ân
những người từng cưu mang, che chở cụ

Cụ Sắc là một Khoa bảng đầu tiên của thế kỷ XX, lúc xã hội Việt Nam đang trăn trở tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân và phong kiến. Cụ xuất thân và lớn lên từ tầng lớp nông dân, thi đỗ Phó bảng, rồi ra làm quan cho Triều Nguyễn. Cuộc đời Cụ cũng chịu nhiều nỗi gian truân, mất mát, nhưng vẫn bền bĩ với ý chí một lòng yêu thương nhân dân. Nhân cách cao thượng ấy đã ảnh hưởng trực tiếp đến các con của cụ, trong đó có Nguyễn Sinh Cung - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng yêu nước thương dân của cụ Sắc đã được Hồ Chí Minh phát triển thành hệ tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh cho dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới học tập noi theo.

Năm 1917, từ Sài Gòn nghe danh vùng đất Cao Lãnh có nhiều nhà nho yêu nước của nhiều phong trào, cụ tìm đến Hòa An, Cao Lãnh, khoác trên mình tấm áo đồ nho bình dị, trong vai người bán thuốc cao dạo, cụ có điều kiện viếng thăm nhiều nơi, tìm hiểu tình hình hoạt động và gặp gỡ nhiều nhà yêu nước như: Lê Chánh Đáng, Nguyễn Quang Diêu, Lưu Quang Bật... Trong thời gian hoạt động ở Cao Lãnh, cụ Sắc được ông Trần Bá Lê, quê ở làng Hòa An, một nhà điền chủ giàu có cùng chung chí hướng yêu nước, thương dân mời về nhà cùng ăn cùng ở. Tại đây, cụ được gia đình ông Trần Bá Lê cất cho một căn nhà bằng tre lá trong vườn, vừa để ở, vừa dạy học, xem mạch và hốt thuốc trị bệnh cho dân. Đây cũng là nơi các nhà nho yêu nước cùng cụ Sắc thường gặp gỡ đàm đạo chuyện cứu nước, cứu dân, gieo mầm cách mạng. Cụ sống và hoạt động ở đây cho đến đầu năm 1920, rời làng Hòa An trở lại Sài Gòn.

Giữa tháng 4/1928, cụ trở lại Hòa An, Cao Lãnh lần thứ 2. Lúc này căn nhà của cụ Sắc được ông Trần Bá Lê sửa sang lại để làm nơi hội họp, liên lạc của Hội Thanh niên Cách mạng xã Hòa An. Cụ ghé nhà Hương chủ Sành nghỉ tại đây mấy ngày, sau đó cụ Sắc về ở hẳn với gia đình ông Năm Giáo. Hàng ngày, cụ xem mạch, kê toa hốt thuốc hoặc đi thăm bệnh. Có lúc cụ qua Long Xuyên, Sa Đéc, Hồng Ngự hoạt động yêu nước rồi trở về Hòa An, Cao Lãnh ở cùng ông Năm Giáo.

Tháng 10/1929, tại nhà cụ Sắc ở trong vườn ông Cả Nhì Ngưu mấy năm trước, một sự kiện quan trọng làm nức lòng nhân dân làng Hòa An, người Tổ trưởng Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội Phạm Hữu Lầu ở xã Hòa An là người đầu tiên tỉnh Sa Đéc được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Dịp này, cụ Sắc cảm ơn bà con làng Hòa An đã che chở, nuôi dưỡng, bảo bọc cụ trong mấy năm qua, cám ơn bà con chịu nghe lời bàn quốc sự, chịu làm việc ích quốc, lợi dân, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Cũng dịp này, lời trăn trối, gửi gắm của cụ với bà con Hòa An: “Tôi có chết gởi thân, nơi đây cũng mãn nguyện”. Ngày 27 tháng 10 năm Kỷ Tỵ (1929), Cụ trút hơi thở cuối cùng về với cõi vĩnh hằng trong vòng tay ấm áp và niềm thương tiếc vô hạn của nhân dân Hòa An, Cao Lãnh.

Với công lao to lớn của người đi truyền bá tư tưởng yêu nước thương dân, gieo mầm cách mạng, với giá trị lịch sử và ý nghĩa chính trị to lớn, sự kiện lịch sử này đáng được hậu thế học tập để kế tục truyền thống yêu nước thương dân, phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, tiến bộ. Theo ý tưởng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng Bia tưởng nhớ công ơn cụ Nguyễn Sinh Sắc và tri ân những người từng cưu mang, che chở cho cụ trong những năm tháng cụ sống và hoạt động yêu nước, gieo mầm cách mạng ở Hòa An, Cao Lãnh. Bia được khởi công xây dựng vào ngày 20/11/2013 và khánh thành vào ngày 15/2/2014 trên phần đất nhà của dòng tộc của ông Trần Bá Lê - tọa lạc xã Hòa An.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn