Đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh

Cập nhật ngày: 28/04/2024 05:42:50

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240428054338dt2-6.mp3

 

ĐTO - Những năm qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (viết tắt là Phong trào) các cấp trong tỉnh triển khai có hiệu quả các nội dung của Phong trào. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ người dân. Qua đó, góp phần thực hiện tốt các danh hiệu: gia đình văn hóa, ấp văn hóa nông thôn mới, khóm đô thị văn minh; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Biểu diễn nghệ thuật phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán 2024 
tại TP Cao Lãnh

Lan tỏa xây dựng đời sống văn hóa

Các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong tỉnh chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với phát huy, bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tại các địa phương, UBND xã, phường, thị trấn phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chính trị - xã hội cùng cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Hoạt động cưới, tang và lễ hội trong tỉnh được tổ chức theo hướng đơn giản, giảm quy mô, thủ tục đảm bảo theo Quyết định số 12 ngày 9/3/2023 của UBND tỉnh quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh. Người dân chấp hành nghiêm túc các nội dung của Quy ước khóm, ấp...

Toàn tỉnh đang duy trì hơn 12.400 Tổ Nhân dân tự quản với hơn 441.000 thành viên; 136 Hội quán với 7.227 thành viên. Thông qua các buổi sinh hoạt Tổ Nhân dân tự quản, Hội quán, tuyên truyền, phổ biến đến người dân các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc chấp hành các chính sách pháp luật, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc góp phần xây dựng nếp sống văn hóa tại địa bàn dân cư. Ngoài ra, lồng ghép công tác xây dựng đời sống văn hóa với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh phối hợp triển khai nhiều công trình, phần việc gắn với xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Nổi bật là phối hợp vận động nguồn lực xây dựng, sửa chữa nhiều cây cầu, tuyến đường giao thông nông thôn; duy trì các mô hình “Đoạn đường 3 sạch”, “Tuyến đường hoa”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Dòng sông không rác”... thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, diện mạo địa phương thêm khởi sắc.


Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Thọ, huyện Tam Nông và người dân tham gia trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp

Cùng với đó, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương quan tâm tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ người dân nhân các dịp lễ, kỷ niệm của đất nước, tỉnh, địa phương. Duy trì hoạt động của 251 Câu lạc bộ đờn ca tài tử tại các xã, phường, thị trấn với hơn 3.000 thành viên tham gia. Việc đầu tư các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, thư viện được UBND tỉnh và các huyện, thành phố quan tâm nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt văn hóa, luyện tập thể thao cho người dân. Toàn tỉnh hiện có 1 thư viện cấp tỉnh, 9 thư viện cấp huyện, 143 phòng đọc sách xã, phường, thị trấn, 122 tủ sách khuyến học, 8 nhà thi đấu, 12 nhà tập, 36 sân bóng đá 11 người, 152 sân bóng đá 5 người bằng cỏ nhân tạo...

Đến nay, đời sống văn hóa ở các ấp, khóm trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững, kinh tế - xã hội có bước phát triển. Qua bình xét danh hiệu gia đình văn hóa năm 2023, toàn tỉnh có trên 402.900 gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”, đạt 94,84% (tăng 0,74% so với năm 2022), trong đó, có 337.455 hộ gia đình đạt chuẩn “Gia đình văn hóa” 3 năm liên tục, đạt 83,75%. 3 thị trấn: Lấp Vò (huyện Lấp Vò), Lai Vung (huyện Lai Vung) và Cái Tàu Hạ (huyện Châu Thành) được đánh giá đạt chuẩn thị trấn đô thị văn minh.


Học sinh đọc sách tại Thư viện tỉnh

Đổi mới, nâng chất các danh hiệu văn hóa

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) - Cơ quan Thường trực BCĐ Phong trào tỉnh tham mưu BCĐ Phong trào tỉnh xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Phong trào năm 2024 với các chỉ tiêu: 86% phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, đạt chuẩn tiêu biểu; 95% xã đạt chuẩn tiêu biểu, khóm, ấp đạt chuẩn văn hóa; 96% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 91% gia đình đạt chuẩn văn hóa... Dựa trên các chỉ tiêu do Ban Chỉ đạo Phong trào tỉnh đề ra, Ban Chỉ đạo Phong trào các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện Phong trào với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Ngoài ra, hướng đến nâng chất lượng các danh hiệu văn hóa, công tác xây dựng các danh hiệu văn hóa trong năm 2024 có một số thay đổi. Thực hiện Nghị định số 86 ngày 7/12/2023 của Chính phủ quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”, tên gọi của một số danh hiệu văn hóa có sự thay đổi. Cụ thể, trước đây là “Ấp văn hóa nông thôn mới”, “Khóm đô thị văn minh”, “Xã văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đô thị văn minh” nay đổi lại là “Khóm, ấp văn hóa”; “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”.

Để thực hiện tốt các danh hiệu văn hóa, Sở VH,TT&DL đã soạn thảo Quyết định ban hành Quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khóm, ấp văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh và gửi đến các thành viên BCĐ Phong trào các cấp trong tỉnh nghiên cứu góp ý dự thảo, tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét. Dự kiến, trong tháng 6/2024, UBND tỉnh sẽ ban hành Quyết định này. Đồng thời tổ chức tập huấn nội dung quy định mới về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khóm, ấp văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” cho các thành viên BCĐ Phong trào huyện, thành phố để áp dụng thực hiện công tác bình xét các danh hiệu văn hóa đảm bảo theo đúng quy trình, quy định.

Song song đó, Sở VH,TT&DL ban hành Kế hoạch số 380 ngày 30/1/2024 triển khai công tác quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện Quy ước khóm, ấp năm 2024 nhằm tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và nâng cao nhận thức của các cấp trong quản lý xây dựng, thực hiện Quy ước khóm, ấp; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện Quy ước trong cộng đồng dân cư. Theo kế hoạch, Sở VH,TT&DL tập trung triển khai, phổ biến pháp luật về công tác xây dựng, thực hiện Quy ước khóm, ấp theo Công văn số 479 ngày 14/10/2023 của Văn phòng UBND tỉnh về việc triển khai thi hành Nghị định số 61 ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

Từ quý II đến quý IV/2024, Sở VH,TT&DL sẽ phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ VH,TT&DL) tổ chức hội thảo, hội nghị truyền thông về xây dựng và thực hiện Quy ước khóm, ấp trên địa bàn tỉnh. Rà soát nội dung Quyết định số 30 ngày 5/11/2018 của UBND tỉnh ban hành Quy định xây dựng và thực hiện quy ước khóm, ấp trên địa bàn tỉnh, tham mưu Quyết định bãi bỏ Quyết định số 30 cho phù hợp với quy định tại Nghị định số 61 ngày 16/8/2023 của Chính phủ, trình UBND tỉnh xem xét. Hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện các Quy ước khóm, ấp đã được công nhận theo đúng quy định.

Đối với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, thành phố tham mưu UBND huyện, thành phố cử đại biểu tham dự hội thảo, hội nghị truyền thông về xây dựng và thực hiện Quy ước khóm, ấp. Lồng ghép công tác quản lý xây dựng, thực hiện Quy ước vào nội dung Phong trào; kịp thời rà soát, sửa đổi nội dung Quy ước phù hợp với quy định của pháp luật. Phối hợp UBND cấp xã hướng dẫn khóm, ấp xây dựng và thực hiện hiệu quả Quy ước cộng đồng.

Bên cạnh đó, Sở VH,TT&DL phối hợp các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai đảm bảo các nội dung của Phong trào; tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp để tham mưu thực hiện Phong trào tại cơ sở đạt hiệu quả; thành lập các Đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Phong trào tại các địa phương... nhằm tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa, hình thành nếp sống văn hóa, văn minh tại địa bàn dân cư, góp phần xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn