Di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam

Cập nhật ngày: 14/04/2013 08:24:06

Tối qua 13-4, hàng vạn du khách trong và ngoài nước cùng nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tề tựu tại khu vực quảng trường lớn tại đền Hùng hân hoan tham dự lễ khai mạc hội đền Hùng 2013 và lễ đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UNESCO trao tặng “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vươngï”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam cùng tham dự buổi lễ trọng thể này.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Con người ta có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn. Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các vua Hùng là Quốc tổ, có công dựng nước, nhà nước đầu tiên của nhà nước Việt Nam, là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam đều tự hào mang trong mình dòng máu con lạc, cháu rồng. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý, truyền thống của người Việt Nam ta, thể hiện lòng biết ơn ân đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, tổ tiên với lòng thành kính tri ân.
Thờ cúng các vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh, cầu mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng mà còn có ý nghĩa sâu xa nhắc nhở kết nối, củng cố tình đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam - những người cùng chung một cội nguồn. Vì vậy, trải qua lịch sử hàng ngàn năm, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn được bền bỉ trao truyền qua thế hệ này đến thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm, ý chí của cả dân tộc Việt Nam. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thử thách trường tồn và không ngừng phát triển. Chúng ta nguyện khắc sâu lời dạy của Bác Hồ kính yêu, “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, để đất nước Việt Nam tươi đẹp, dân tộc Việt Nam nhân nghĩa, văn hiến, đất nước ta mãi mãi trường tồn, sánh vai cùng cường quốc năm châu.

Sau lễ đón nhận bằng di sản là chương trình nghệ thuật đặc biệt “Linh thiêng nguồn cội - Đất tổ Hùng Vương” tiếp nối với sự tham gia của 1.350 diễn viên, nghệ nhân, học sinh, sinh viên, đã mang đến một không gian nghệ thuật hoành tráng, ấn tượng, thể hiện nội dung “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” gồm các nghi lễ, sản vật cung tiến, hành hương về cội nguồn, biểu hiện lòng tôn kính tổ tiên và tự hào dân tộc, gắn kết cộng đồng.

Sáng cùng ngày, lễ hội văn hóa dân gian đường phố đã lần đầu được tổ chức tại Phú Thọ, với sự tham gia của hơn 3.000 người, nhằm tôn vinh, quảng bá các di sản văn hóa trên quê hương đất Tổ.

Lễ hội đền Hùng - Giỗ tổ Hùng Vương kéo dài từ 13-4 đến 19-4 (từ 4 đến 10-3 Âm lịch) với nhiều hoạt động phong phú: lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng, tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ, lễ giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân; dâng lễ vật các tỉnh góp giỗ và dâng bánh chưng, bánh giầy…

Theo VĨNH XUÂN/SGGP




 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn