Phóng sự
Điệu hò sông nước miền Tây
Cập nhật ngày: 05/01/2017 10:55:38
Kỳ 1: 4 giờ sáng thức dậy chờ nghe hò
Với nhiều người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long xưa kia, món ăn tinh thần “khoái khẩu” nhất của họ chính là cải lương và hò. Nhưng đã mấy chục năm rồi, chúng ta được nghe vài câu hò được lồng ghép vào các bài tân nhạc mang hơi hướng dân ca hoặc khi nghe những bài vọng cổ.
Bà Lê Thị Huệ (86 tuổi, ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) kể chuyện bà mê nghe hò từ năm 7-8 tuổi và phải thức từ 4 giờ sáng ra bờ sông ngồi chờ mấy cô, mấy dì vừa bơi xuồng ra chợ vừa hò
Có lẽ thế hệ 7x như tôi là những người cuối cùng được nghe các cô, các dì, các chú ngân nga điệu hò như rót mật vào tai mỗi khi ra đồng nhổ mạ, cấy lúa hay khi chèo xuồng trên những cánh đồng ngập nước mênh mông. Giới trẻ bây giờ, đa số không biết câu hò quê mình ra sao.
Theo cố GS.Trần Văn Khê, trong số những điệu hò phổ biến ở miền Tây Nam bộ ngày xưa thì không có điệu hò nào hay bằng hò Đồng Tháp. Chính ông đã mang điệu hò này đi truyền bá ở rất nhiều nước trên thế giới. Còn với người nông dân trồng lúa thì hò cấy Gò Công là món ăn không thể thiếu những khi ra đồng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Ký ức 80 năm trước
Năm nay đã 86 tuổi, nhưng bà Lê Thị Huệ ở TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vẫn còn rất khỏe mạnh. Bà mê điệu hò Đồng Tháp từ khi mới 7-8 tuổi. Mấy năm trước hay tin lãnh đạo tỉnh chủ trương sưu tầm, phục hồi điệu hò này thì bà rất vui. Cứ vài ba bữa là bà tự đạp xe tới Tỉnh ủy để hỏi thăm tiến độ và nhắc những người có trách nhiệm đừng bỏ dở kế hoạch này giữa chừng. Sau này nhiều người mới biết bà là mẹ ruột của ông Lê Minh Hoan (Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp lúc đó, nay là Bí thư Tỉnh ủy).
Nghe nhắc đến hò, mắt bà Huệ sáng lên: “Không phải tui là dân Đồng Tháp mà tui nói tốt cho quê mình, nhưng thiệt lòng là hò Đồng Tháp quá hay. Ai nghe qua một lần đều muốn nghe lần nữa và có khi bị ghiền”. Rồi bà kể hồi mới 7-8 tuổi đã được nghe hò và ghiền từ đó. Bà kể tiếp: “80 năm trước, ba má tui sống ở Hòa An, nay là phường Hòa Thuận, TP.Cao Lãnh làm bánh bò bán kiếm sống. Chừng 3 giờ sáng, ba má tui đã thức dậy lo làm bánh rồi. Lát sau, tui cũng thức, nhưng không phải phụ làm bánh mà chạy tót ra bờ sông, ngồi bên gốc dừa chờ mấy cô, mấy dì trong quê chèo ghe ra chợ. Họ vừa chèo ghe, vừa hò hay lắm”.
Chừng 2-3 giờ sáng thì những người phụ nữ ở vùng nông thôn bắt đầu chèo ghe chở cá, tôm, ốc, rau cải... ra chợ Cao Lãnh bán. Họ thường đi chung một nhóm vài chiếc ghe và thay nhau hò không dứt. Vì quá mê nghe hò nên khi những chiếc ghe này còn cách cả cây số thì cô bé Nguyễn Thị Huệ đã có mặt ở bờ sông, chọn một gốc dừa ngồi bẹp xuống chờ các dì, các cô chèo ghe qua. “Tui không diễn tả được cảm giác khoái chí của tui khi nghe các cô, các dì hò. Tiếng hò lảnh lót phá tan sự tĩnh mịch của màn đêm, nhưng da diết lắm, hay lắm” - bà Huệ nói.
Cứ thế, cô bé Huệ ngày ngày ra bờ sông chờ nghe hò, cho đến khi tiếng hò đã đi thật xa không còn nghe rõ nữa thì mới chịu trở vào nhà. Lớn lên, cô bé Huệ thoát ly gia đình đi làm cách mạng ở vùng Đồng Tháp Mười. Tại đây, bà may mắn được nghe nghệ sĩ Kim Nhụy (Đoàn văn công Ngũ Yến) hò một lần cuối cùng mãi cho đến giờ. Bà chậm rãi kể: “Nghệ sĩ Kim Nhụy hò như rót mật vào tai vậy. Bà con ở vùng địch tạm chiếm hay tin đã tìm cách lén vào chiến khu Đồng Tháp Mười để được nghe nghệ sĩ Kim Nhụy hò. Tiết mục hò vừa xong thì bà con vỗ tay rần rần rồi hô “bis, bis, bis...”. Thế là nghệ sĩ Kim Nhụy tiếp tục hò phục vụ bà con. Sau lần đó, chiến tranh ác liệt hơn, người dân lo chạy giặc, lo làm ăn sinh sống nên chẳng mấy ai hò nữa. Cũng 60 năm rồi còn gì...”.
Tiếng hò trên đồng lúa
Khi chúng tôi hỏi về hò cấy Gò Công, ông Nguyễn Ngọc Minh - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang nói một cách tự hào: “Hò cấy Gò Công của Tiền Giang rất nổi tiếng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vì nó rất hay. Rất nhiều câu hò, điệu hò trong các bài tân nhạc bây giờ có gốc gác từ cách hò cấy Gò Công. Năm 1999, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã đầu tư nghiên cứu hò cấy Gò Công một cách công phu để đưa vào dự án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể”.
Xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông được xem là cái nôi của hò cấy Gò Công. Chúng tôi đã đến đây tìm lại những cụ cao niên, nhưng thật bất ngờ là những người trên 50 tuổi cũng biết hò và còn nhớ khá nhiều câu hò mà ngày xưa khi đi cấy họ vẫn hò cho nhau nghe. Cũng có người nên duyên vợ chồng nhờ mê giọng hò của nhau. Chị Nguyễn Thị Mỹ Chín (54 tuổi) ở ấp Giồng Đình kể, chị đi cấy từ năm 16 tuổi. Suốt hơn 10 năm đi cấy, từ một người không biết gì về hò, chị đã trở thành một “cây” hò được nhiều chàng trai mê. Mà ngộ lắm nghe, hầu hết những người đi cấy học hành chữ không đầy lá mít, nhiều người chẳng biết chữ nào vậy mà tự nghĩ ra được câu hò đối đáp rất hay. Rồi chị cao hứng cất giọng: “Hò... ơ... Con cọp qua sông. Ướt lông con cọp rải. Anh có mấy câu hò mà lải nhải với em”. Chị Chín bảo đó là “hò ghẹo”. Người con trai khi ra đồng nhìn thấy và phải lòng một cô gái thì hò câu đó để bắt chuyện làm quen. Nếu cô gái hò đáp lại bằng những câu bình thường thì có nghĩa cô gái đồng ý giao lưu. Còn nếu không chịu thì sẽ im lặng để từ chối. Và khi người nam cứ lải nhải hoài thì cô gái sẽ dùng tới “hò chửi”, tức là vẫn hò nhưng câu chữ có nghĩa chửi.
Sông nước miền Tây - nơi sản sinh những điệu hò mê hoặc lòng người
Chồng chị Chín là anh Nguyễn Văn Minh (57 tuổi) vốn là dân buôn bán ở thị trấn Tân Hòa và không biết hò. Sau nhiều lần đến Giồng Đình chơi đã bị giọng hò của cô thôn nữ tên Mỹ Chín thôi miên. Anh cũng tập tành hò để làm quen. Dù hò không hay nhưng tấm lòng của anh được cô đón nhận và họ nên nghĩa vợ chồng. Cuộc sống khó khăn nên chị Mỹ Chín bỏ nghề đi cấy, ở nhà phụ giúp chồng buôn bán. Mấy chục năm trôi qua, đôi vợ chồng này chưa từng một lần cất giọng hò. Nhưng khi chúng tôi nhắc lại chuyện hò thì họ kể thao thao bất tuyệt rất nhiều câu chuyện về hò cấy Gò Công ngày xưa. Càng bất ngờ hơn khi cả hai vợ chồng cố gắng lục lọi trong ký ức tìm lại những câu hò rồi cất giọng hò một cách vô tư.
Anh Minh hò ghẹo:
“Chật hào cá lội sen rung. Có thương anh thì kề mặt cho anh hun đỡ lòng”
Chị Mỹ Chín hò đáp:
“Ở đây cô bác lòng vòng. Muốn hun thì về chốn loan phòng mà hun”...
Chúng tôi có cảm giác như đang trở lại những năm 1960-1970, trên đồng ruộng với hàng chục, hàng trăm người vừa cấy lúa, vừa hò rất náo nhiệt. Không khí lao động sản xuất chỉ có ở thời đó. Bây giờ mọi thứ đã được xếp vào ngăn kéo... ký ức.
Hò Đồng Tháp có từ khi nào?
Nhạc sĩ Cao Văn Lý (cha đẻ của những bài Lý trăng soi, Lý qua cầu, Lý chim xanh...) nói rằng, quê hương của điệu hò Đồng Tháp đầy mê hoặc chính là vùng đất Hồng Ngự. Nơi sinh được xác định là... trên đỉnh lũ mênh mông không thấy đâu là bờ. Và ngày tháng năm sinh được ghi trong lý lịch là vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Hồng Ngự là đầu nguồn của 2 con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu. Nơi đây xưa kia rất hoang vắng, vào mùa nước nổi thì chỉ thấy trời và nước. Các anh hùng hảo hớn tìm đến khai hoang, định cư, lập nghiệp ngày càng nhiều nên được gọi là “Hùng Ngự”. Dần dần người ta đọc trại ra thành “Hồng Ngự” cho tới bây giờ. Lũ về, nước ngập mênh mông. Chính hoạt động sinh hoạt, lao động sản xuất trong khung cảnh rất hữu tình, tươi đẹp của dòng nước lũ đã khai sinh ra những điệu hò thể hiện tâm tư tình cảm của người nông dân chất phác, lam lũ.
“Ngó qua sông Tiền thấy mênh mông sông nước. Dòm về Thường Phước thấy sóng bủa lao xao. Thấy cặp cá đao nó nhào vô lưới. Ôi biết chừng nào anh cưới được em?”.
HOÀI PHONG