Đình Thượng Văn - Nơi góp phần bảo tồn những giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc
Cập nhật ngày: 14/03/2017 06:06:39
ĐTO - Dù nhiều lần bị ảnh hưởng do sạt lở nhưng người dân vẫn quyết tâm tôn tạo, phục dựng lại Đình Thượng Văn (tọa lạc ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh). Ngôi đình này là nơi góp phần bảo tồn những giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc và gần đây được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Bí thư Huyện ủy Cao Lãnh xem bản sắc phong bằng lụa quý giá thời vua Minh Mạng lưu giữ tại Đình Thượng Văn
Đình Thượng Văn xây dựng vào khoảng năm 1821 tại xã Thượng Văn, tổng An Hội, huyện An Xuyên (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Vì bị sạt lở, năm 1999, Đình Thượng Văn di dời về ấp Bình Mỹ A, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh với diện tích hơn 1.000m2. Đình Thượng Văn là một trong những ngôi đình xưa nổi tiếng ở huyện Châu Thành, trước đây có tên là đình Cây Da. Theo lời kể của các vị cao niên trong Ban tế tự, ngôi đình được xây dựng là kết quả của một quá trình lao động dày công, gian khổ của những lưu dân trên bước đường khai hoang mở cõi nơi vùng đất mới. Sau khi xây dựng đình xong, những người dân địa phương thành lập Ban hương chức gồm nhiều vị, đứng đầu là Hương Cả, Hương Chủ, Hương Chánh, Hương Nhứt... để thuận lợi cho việc phụng sự và trông nom ngôi đình.
Ngoài thờ phụng Thành Hoàng Bổn Cảnh như các đình làng khác ở Nam bộ, Đình Thượng Văn còn thờ một vị quan đại thần của triều Nguyễn là Tham tri Binh bộ Bùi Đức Minh. Ông Nguyễn Văn Tho - Phó Trưởng Ban tế tự Đình Thượng Văn thông tin: “Dù trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng phần mộ của ông Bùi Đức Minh, vợ ông Bùi Đức Minh và em ruột ông Bùi Đức Minh (ông Bùi Đức Tuyên) vẫn được Ban tế tự và nhân dân cung kính giữ gìn cho đến ngày nay”. Đặc biệt, Đình Thượng Văn vẫn còn lưu giữ sắc phong của vua Minh Mạng ban cho thân phụ và thân mẫu ông Bùi Đức Minh khi ông giữ chức Công bộ Tả Tham tri. Hai tờ sắc trên được ban cấp ngày mùng 6 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 9 (tức năm 1828). Sắc bằng lụa màu vàng, viền xung quanh thêu hình rồng, đóng ấn “Sắc Mạng Chi Bửu”. Đây là hai bản sắc phong bằng lụa thời vua Minh Mạng hiếm hoi còn sót lại trên cả nước.
Theo bà Phan Thị Ái Xuân - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cao Lãnh, Đình Thượng Văn không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân, mà từ năm 1928 - 1975, đình còn được chính quyền cách mạng chọn là cơ sở hoạt động chống giặc. Nhiều vị chức sắc, hội viên trong đình tham gia cách mạng, góp sức cho công cuộc kháng chiến như các ông Tống Duy Hinh, Tống Thới Mỹ, Trần Văn Truyền... Ngoài ra, Đình Thượng Văn còn là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1948, Đình Thượng Văn là nơi hưởng ứng lời kêu gọi của Chính quyền Việt Minh “Tiêu thổ kháng chiến” nhằm ngăn cản, gây trở ngại cho giặc trong hoạt động chống phá cách mạng.
Qua nhiều lần di dời vì sạt lở, với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, người dân đã tôn tạo, phục dựng lại ngôi đình với đầy đủ các yếu tố cơ bản của một ngôi đình Nam bộ. Kiến trúc đình vẫn theo lối truyền thống với các hạng mục chính: cổng đình, sân, vỏ ca, vỏ qui, gian thờ chính, nhà khách, nhà bếp. Hàng năm, Đình Thượng Văn có nhiều lễ cúng (tính theo ngày âm lịch) như lễ Khai sơn, Thượng ngươn, Trung ngươn... trong đó có 2 lễ cúng lớn là Hạ điền và Thượng điền, với hàng ngàn lượt người đến cúng viếng. Chú Võ Văn Hiến ở ấp Bình Mỹ A, xã Bình Thạnh cho hay: Tôi thường xuyên tham gia các lễ cúng ở Đình Thượng Văn. Nơi này góp phần lưu giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Tôi rất vui mừng vì gần đây, Đình Thượng Văn được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.
Ông Trần Minh Quan - Phó Trưởng Ban tế tự Đình Thượng Văn cho biết: “Đình Thượng Văn là nơi góp phần đáng kể trong việc bảo tồn những giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc; nơi thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của nhân dân địa phương; là điểm sinh hoạt giáo dục truyền thống tốt đẹp, tinh thần hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động của cha ông cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau. Ban tế tự sẽ cùng với nhân dân, chính quyền địa phương ra sức bảo vệ và phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa lịch sử thông qua các lễ hội truyền thống hàng năm”.
NHỰT AN