Đừng đánh mất mình
Cập nhật ngày: 10/06/2016 06:09:35
Xã hội luôn luôn vận động, phát triển tiến lên không ngừng và điều đó không ngoại lệ với kiến trúc nhà ở. Ví dụ: Tại tỉnh Đồng Tháp, xứ Hồng Ngự là nơi mùa nước ngập dâng cao, nên từ xưa ông bà mình đều cất nhà sàn. Ngày nay, các tuyến, các cụm dân cư, các chợ xã, thị trấn, thị xã đều san lắp nền cao hơn đỉnh lụt năm 2000, nên hầu hết cất nhà trệt trên mặt đất.
Ở huyện Tháp Mười ngày xưa đại bộ phận cất nhà theo kiểu chữ đinh, dù lợp lá hay ngói, vách dừng bằng tre chẻ đươn thành tấm vĩ lớn. Nay về Tháp Mười khó tìm thấy bóng dáng nhà chữ đinh, vách dừng bằng vĩ tre mà là nhà tường gạch, lợp tôn và vài ba năm trở lại đây xuất hiện nhà “nóc Thái”, tức nhà có nóc nhọn cao lên.
Miệt Cao Lãnh ngày xưa đặc điểm là nhà thượng song hạ bảng, cửa trước vô ra hai bên hong nhà, nay cũng biệt dạng, chẳng tìm đâu ra! Ngày xưa ông bà ta cất nhà, một trong các điều kỵ là đâm đòn dông ra đường. Bây giờ nhiều nhà cất xuôi xổ hai mái qua hai bên, tất nhiên đâm đòn dông ra đường. Tôi có hỏi mấy người, họ trả lời tỉnh bơ: Nhà bây giờ không có đòn dông, nên không sợ đòn dông đâm ra đường!
Đi dài dài từ phố chợ đến nhà ở nông thôn khắp nơi trong tỉnh ta, ngày xuất hiện càng nhiều những căn phố lầu, những biệt thự, những ngôi nhà độc lập được trang trí mặt tiền nhà rất đẹp, đủ các kiểu dáng, đủ loại vật liệu, đủ các màu sắc... vô cùng phong phú, đa dạng, không khác mấy nhà ở các thành phố lớn, các tỉnh bạn.
Nếu có vị khách nào từ nước ngoài hay các tỉnh bạn tới Đồng Tháp, hỏi tôi: Vậy kiến trúc nhà cửa, công sở... ở Đồng Tháp trong cái chung có đặc điểm gì riêng, thì tôi đớ lưỡi, lắc đầu cười trừ. Bởi vậy về Tháp Mười, Cao Lãnh ngày nay, nhìn những công trình kiến trúc mới, tôi thèm được thấy lại bóng dáng của nhà chữ đinh, nhà thượng song hạ bảng ngày xưa!
Đến tỉnh Tây Nguyên, từ công sở đến nhà dân, dù cất bằng vật liệu mới, vẫn còn giữ cái dáng riêng của cái nhà rông, nhìn vào là biết liền. Lên vùng cao Tây Bắc cũng vậy, ta thấy cái riêng rất rõ nét trong hình dáng kiến trúc của ngôi nhà sàn... Ngược lại, phố phường Hà Nội ta lại thấy đủ dạng pha tạp trong kiến trúc: Nhà có nóc tròn như Ấn Độ, nóc nhọn của phương Tây... Vậy, du khách nước ngoài nhìn Hà Nội có gì khác châu Âu, châu Mỹ... và tìm đặc điểm riêng về kiến trúc ở nơi này là gì? Hiếm quá! Lãnh đạo TP.Hà Nội đang cố gắng bảo tồn các phố cổ, nhà cổ, làng cổ như Đường Lâm... mà không dễ chút nào.
Nhà ở, công sở là vậy, tới đình, đền, chùa... cũng chung số phận. Đền, chùa ngày nay phần nhiều xây lại mới, nguy nga, to rộng. Các mái ngang ngày xưa - nét riêng của nam Bộ, kể cả cung đình Huế - nay đều mái cong, cả cổng tam quan cũng mái cong tuốt! Còn đâu cái riêng của ông cha ta để lại?
Nói có phần hồ đồ, phải chăng những kiến trúc sư Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài, học kiến trúc nước ngoài, nên tiếp thu những gì mình được học, nghiên cứu các tinh hoa kiến trúc ở Nga, Đức, Ý..., áp dụng trong xây dựng các công trình ở nước mình? Lăng Bác Hồ là một công trình kiến trúc hiện đại, nhưng vẫn phảng phất hình dáng nhà sàn miền núi Việt Bắc, đẹp quá, dân tộc quá! Ngược lại, các công trình kiến trúc khác ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, ở Đồng Tháp... giống như một đội quân quốc tế mặc đủ sắc phục. Có nên, trong cái chung quốc tế hóa, toàn cầu hóa, ta phải cố giữ nét riêng của mình, để còn là mình?
Tôi có cảm giác các cấp chính quyền ta buông lỏng quản lý Nhà nước về kiến trúc, không ai chịu trách nhiệm, để mặc ai thích kiểu gì thì tùy tiện xây cất theo kiểu đó. Vậy, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong kiến trúc ai lo, hay cứ thả nổi theo dòng chảy hiện đại, chẳng cần định hướng?! Điều này, xin được các kiến trúc sư, các Hội kiến trúc sư, các cơ quan quản lý xây dựng như bộ, sở, phòng... trả lời.
Hòa nhập nhưng không hòa tan, tiếp thu tinh hoa của người để làm giàu thêm vốn quý văn hóa của dân tộc mình, không đánh mất bản sắc của mình, Đảng ta đã dạy.
Nguyễn Đắc Hiền