Hội thảo chuyên đề “Phát huy giá trị làng nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch địa phương”

Cập nhật ngày: 06/12/2022 12:41:18

ĐTO - Ngày 6/12, tại Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam (xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với UBND huyện Lấp Vò tổ chức Hội thảo chuyên đề “Phát huy giá trị làng nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch địa phương”. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh); Viện nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo Mekong; chuyên gia tư vấn du lịch; các công ty du lịch, lữ hành trong, ngoài tỉnh.


Quang cảnh
Hội thảo chuyên đề “Phát huy giá trị làng nghề truyền thống kết hợp phát triển du lịch địa phương”

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tập trung trình bày tham luận và thảo luận về tiềm năng, thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị các làng nghề truyền thống (hoa kiểng và sản xuất bột của TP Sa Đéc; dệt chiếu của huyện Lấp Vò; đóng ghe xuồng, đan lát và sản xuất nem, bì, chả lụa của huyện Lai Vung; dệt choàng của huyện Hồng Ngự;…) kết hợp phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng mô hình phục vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa làng nghề trong phát triển du lịch.


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân dân (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) phát biểu về giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề

Thông qua hội thảo cũng tham vấn ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, lữ hành về các giải pháp phát triển du lịch kết hợp phát huy giá trị các làng nghề truyền thống của Đồng Tháp. Đồng thời xác định những sản phẩm làng nghề chủ lực, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng phát triển thành sản phẩm quà tặng phục vụ du lịch, việc kết nối tour tuyến với các khu điểm du lịch và di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Đồng Tháp có nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận (21 làng nghề, 18 làng nghề truyền thống), gắn chặt với cuộc sống và nhu cầu của cư dân địa phương như: đóng xuồng, dệt chiếu, dệt choàng, trồng hoa kiểng, làm bột, làm nem… Đây được xem là nguồn tài nguyên văn hóa bản địa độc đáo có sức thu hút mạnh mẽ với du khách và là nhân tố có khả năng làm nổi bật hơn bức tranh du lịch của tỉnh, nhất là phát triển du lịch làng nghề trong thời gian tới.


Đồng chí Huỳnh Thị Hoài Thu – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp phát biểu tại hội thảo

Trong 9 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh đã thu hút khoảng 2,8 triệu lượt khách (tăng 150%) so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu du lịch đạt khoảng 1.200 tỷ đồng (tăng hơn 236%) so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù lĩnh vực du lịch có bước phát triển đáng kể, nhất là từ khi tỉnh triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch, tuy nhiên sự phát triển của lĩnh vực du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Trong đó, hoạt động du lịch, nhất là du dịch trải nghiệm tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn định hướng và thử nghiệm.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn