Hội thảo chuyển giao, ứng dụng sản phẩm khoa học và công nghệ cấp tỉnh
Cập nhật ngày: 09/06/2022 18:12:43
ĐTO - Chiều ngày 9/6, tại Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm Đồng Tháp (phường Mỹ Phú, TP Cao Lãnh), ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì hội thảo chuyển giao, ứng dụng sản phẩm KH&CN cấp tỉnh. Dự hội thảo có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các đơn vị tiếp nhận sản phẩm KH&CN cùng các thành viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.
Tại hội thảo, đại diện Sở KH&CN công bố Quyết định của UBND tỉnh về việc công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và chuyển giao sản phẩm khoa học để ứng dụng của 2 đề tài: “Nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học di tích văn hóa Óc Eo ở tỉnh Đồng Tháp” và “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất thâm canh và sơ chế, bảo quản khoai môn đạt hiệu quả kinh tế cao tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp”.
Quang cảnh đại biểu dự hội thảo
Theo đó, đề tài “Nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học di tích văn hóa Óc Eo ở tỉnh Đồng Tháp” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh chủ trì, PGS.TS. Đặng Văn Thắng làm chủ nhiệm đề tài, được thực hiện từ tháng 6/2019 - 1/2022. Kết quả, nhóm thực hiện đề tài đã khảo sát, thám sát và xây dựng hồ sơ khoa học cho các di tích văn hóa Óc Eo phát hiện ở tỉnh Đồng Tháp; nghiên cứu kiểm chứng, xây dựng hồ sơ khoa học tổng hợp cho khu di tích Gò Tháp; xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ di tích văn hóa Óc Eo bằng công nghệ GIS cho tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời nghiên cứu so sánh, đánh giá giá trị của các di tích văn hóa Óc Eo ở tỉnh Đồng Tháp trong bối cảnh Nam Bộ và rộng hơn; đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích khảo cổ học thuộc văn hóa Óc Eo ở Đồng Tháp.
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất thâm canh và sơ chế, bảo quản khoai môn đạt hiệu quả kinh tế cao tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp” do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì và GS.TS. Lê Văn Hòa làm chủ nhiệm đề tài. Đề tài được thực hiện từ tháng 2/2018 - 10/2021, qua đó, đã đánh giá thực trạng sản xuất khoai môn và xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất thâm canh khoai môn tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời xây dựng quy trình sơ chế, bảo quản và chế biến khoai môn để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị và ổn định thị trường; sử dụng hiệu quả phụ phẩm từ cây khoai môn để làm thức ăn chăn nuôi; xây dựng, đánh giá mô hình thâm canh cây khoai môn có hiệu quả kinh tế cao.
Dịp này, đại diện Sở KH&CN đã ký kết biên bản bàn giao kết quả nghiên cứu của 2 đề tài KH&CN cấp tỉnh: “Nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học di tích văn hóa Óc Eo ở tỉnh Đồng Tháp” và “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất thâm canh và sơ chế, bảo quản khoai môn đạt hiệu quả kinh tế cao tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp” đến các đơn vị tiếp nhận để ứng dụng, nhân rộng.
Ngân Nguyễn