Không gian sách Trường Đại học Đồng Tháp

Kết nối và chia sẻ niềm vui đọc sách

Cập nhật ngày: 25/05/2017 06:36:08

ĐTO - Câu lạc bộ (CLB) Đọc sách và Không gian sách Trường Đại học Đồng Tháp được thành lập và đi vào hoạt động đã góp phần kết nối và chia sẻ niềm vui đọc sách.


Sinh viên đọc sách ở Không gian sách Trường Đại học Đồng Tháp

Trong thời đại công nghệ số, các thiết bị nghe nhìn phát triển mạnh mẽ nên việc tiếp cận với nguồn thông tin, tri thức không còn là việc quá khó khăn. Hầu như mọi vấn đề, mọi khía cạnh của cuộc sống hiện đại đều dễ dàng được nắm bắt chỉ qua một cú click (nhấp) chuột.

Văn hóa đọc - một cách tiếp cận nguồn thông tin, tri thức dù được duy trì với hình thức hiện đại hay truyền thống, thì vẫn cần những không gian riêng để có thể “xích gần hơn” với bạn đọc. Câu lạc bộ (CLB) Đọc sách và Không gian sách Trường Đại học Đồng Tháp được thành lập và đi vào hoạt động đã góp phần kết nối và chia sẻ niềm vui đọc sách.

Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, dường như thói quen đọc sách ở nhiều người, đặc biệt là sinh viên, đang có nguy cơ bị mất dần đi. Một sinh viên muốn có một kiến thức chuyên ngành vững vàng, đủ sâu, đủ rộng để phục vụ việc học tập trước mắt và nghiên cứu về lâu về dài sau này, thì bắt buộc phải có thói quen, hứng thú đọc sách và kỹ năng đọc sách. Hơn thế nữa, việc đọc sách ở sinh viên không thể chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận thông tin.

Việc đọc sách còn thể hiện khả năng thưởng thức, cảm nhận cái hay, cái đẹp từ sách. Nghĩa là bản thân việc đọc sách còn thể hiện tính thưởng thức văn hóa đích thực, vượt lên trên khái niệm đọc thông thường. Chính vì thế, dù có nguy cơ bị cạnh tranh bởi các yếu tố khác trong thời đại thông tin, đọc sách vẫn được xem như là một hoạt động, một nhu cầu thiết yếu, với thế mạnh và ý nghĩa riêng, không thể thay thế được.

Bên cạnh những tấm gương có ý chí phấn đấu trong học tập, ham đọc sách, tích cực nghiên cứu và sử dụng nguồn tài liệu ở thư viện, thì vẫn còn khá nhiều sinh viên chỉ thực sự chịu đọc khi các kỳ thi đã tới gần, có biểu hiện học đối phó - học chỉ để thi. Cách học đó khiến người học không tạo được tính chủ động, tích cực trong học tập, nghiên cứu; chưa tạo nên thói quen đọc sách. Chính vì vậy, khá nhiều sinh viên trở nên thụ động trong việc đọc và nghiên cứu tài liệu, sách, báo để tìm trong đó những kiến thức phục vụ cho việc tự học và phát triển bản thân.

Với mong muốn đa dạng không gian đọc, tạo một “sân chơi” về đọc sách, CLB Đọc sách và Không gian sách Trường Đại học Đồng Tháp đã và đang nhận được sự quan tâm, đồng hành của nhiều cá nhân và đơn vị, nhất là sự phối hợp của Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Tương Lai.

Không gian sách thoáng mát và tiện nghi đã tập hợp được gần 2.000 quyển sách đa dạng về các thể loại là “tấm lòng” của các nhà giáo, nhà quản lý, công chức, viên chức, doanh nhân, sinh viên và học sinh tặng, chia sẻ cho CLB.

Hoạt động trao đổi, giới thiệu sách qua Tủ sách Hiếu tri của CLB đang nhận được sự tham gia nhiệt thành của các bạn đọc yêu sách. Không gian sách còn là nơi để gắn kết với các hoạt động chuyên đề hỗ trợ học tập, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm sáng tạo và khởi nghiệp.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghiêm - Chủ nhiệm CLB Đọc sách chia sẻ: “Từ năm học 2017 - 2018, Trường Đại học Đồng Tháp sẽ triển khai mô hình Cà phê sáng cùng Hiệu trưởng tại Không gian sách này. Định kỳ 1 tháng 2 lần, NGƯT.PGS,TS. Nguyễn Văn Đệ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường sẽ dành buổi cà phê sáng để cùng gặp gỡ, chia sẻ với người học, người dân và viên chức của trường”.

Với mong muốn gieo những hạt mầm đầu tiên đến các bạn đọc trẻ là sinh viên, hội viên; cũng giống như việc “gieo” niềm tin, động lực, sự tiếp nối về văn hóa đọc có sự chọn lọc, định hướng, các thành viên Ban cố vấn và Ban chủ nhiệm CLB Đọc sách và Không gian sách Trường Đại học Đồng Tháp mong ước và kỳ vọng xây dựng nên một không gian văn hóa, góp phần tạo nên “một ngọn nến đọc sách” trong cộng đồng, đặt những viên gạch nhỏ cho hành trình tự học, kết nối, chia sẻ và kiến tạo.

THANH NGUYÊN - DIỆU ANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn