Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc hôm nay
Cập nhật ngày: 27/11/2013 05:34:25
Nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc an nghỉ
Năm 1917, cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đi về sinh sống và hoạt động ở Cao Lãnh. Đến năm 1927, cụ về ở hẳn tại Hòa An, Cao Lãnh để làm nghề bốc thuốc và tiếp tục tuyên truyền yêu nước trong nhân dân, được nhân dân địa phương hết lòng thương yêu, quý trọng.
Lễ dâng hương cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nhân ngày giỗ
Sau 2 năm sống ở Cao lãnh, cụ bị bệnh và qua đời vào đêm 26 rạng sáng 27/10 năm Kỷ Tỵ, nhằm ngày 26/11/1929 trong niềm thương tiếc của bà con làng Hòa An, nên nhân dân đã an táng cụ cạnh chùa Hòa Long, làng Hòa An.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Đồng Tháp đã kiên cường đấu tranh để giữ gìn, bảo vệ phần mộ. Sau khi đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp tổ chức khởi công xây dựng, tôn tạo mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, năm 1977 công trình hoàn thành. Vào năm 1992, Khu di tích (KDT) Nguyễn Sinh Sắc được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Hiện nay, Công trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị KDT Nguyễn Sinh Sắc đã hoàn thành, nâng tổng diện tích KDT từ 3,6ha lên hơn 9ha, trong đó có việc tái hiện lại một góc làng Hòa An xưa nhằm thể hiện tình cảm sâu nặng mà bà con làng Hòa An đã dành cho cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cũng như tình cảm của cụ đã dành cho bà con nơi đây.
Đặt ở đầu đường trục chính dẫn vào làng Hòa An là tượng toàn thân cụ Nguyễn Sinh Sắc với tay nải quần nâu về làng Hòa An trong vai người bán thuốc cao da trâu tìm gặp các nhà nho yêu nước ở địa phương. Tượng đúc bằng đá cao 3m, bệ tượng cao 1,5m, thể hiện tình cảm sâu nặng trọn nghĩa vẹn tình của cụ Nguyễn Sinh Sắc với nhân dân Hòa An và ngược lại. Hạng mục công trình Đền thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được khánh thành vào năm 2012 tạo ra không gian thờ cúng cụ được trang trọng hơn, quy mô hơn và điều đó càng khẳng định sự trường tồn về những giá trị văn hóa, lòng yêu nước, công đức to lớn của cụ mà nhân dân Việt Nam luôn tôn kính, tưởng nhớ công ơn đối với cụ.
Khu di tích được giữ gìn, quý trọng
Từ khi được bảo tồn, tôn tạo mở rộng đến nay, KDT Nguyễn Sinh Sắc mỗi năm đón từ 230 ngàn đến 330 ngàn khách, riêng năm nay, KDT đã tiếp đón trên 484 ngàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan, viếng mộ cụ Phó bảng. Cuối tuần qua, mặc dù chưa đến ngày lễ giỗ lần thứ 84 của cụ Nguyễn Sinh Sắc, nhưng có nhiều đoàn khách tìm đến viếng mộ cụ.
Đoàn viên, thanh niên tham quan Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc
Em Trương Đỗ Minh Hương (quê Quảng Ngãi) sinh viên năm 2, lớp Chất lượng cao, Đại học Luật TP.HCM cho biết, đây là lần đầu tiên em đến tham quan KDT. Sau khi nghe nhân viên thuyết minh về cuộc đời cụ, em hiểu được nhiều hơn về cụ và thật sự xúc động xen lẫn niềm kính trọng trước những tình cảm giữa cụ và nhân dân làng Hòa An.
Cũng không ít lần, các nhân viên thuyết minh chứng kiến những trường hợp khách tận miền Bắc đến viếng mộ, quỳ lạy cụ khóc cảm kích tấm lòng, nghĩa cử của cụ đối với nhân dân Hòa An. Làm nhân viên thuyết minh nhiều năm tại KDT Nguyễn Sinh Sắc, có ngày cao điểm chị Nguyễn Thị Thùy Anh thuyết minh đến 4 đoàn khách, mỗi đoàn thuyết minh khoảng 1 giờ đồng hồ. Công việc cứ lặp đi lặp lại nhưng chị rất hứng thú, hãnh diện mỗi khi thuyết minh vì được góp phần làm cho khách tham quan hiểu sự nghiệp của thân sinh Bác Hồ.
Quý trọng cụ Nguyễn Sinh Sắc, nhân dân quý cả KDT - nơi an nghỉ và lưu dấu những kỷ niệm về cuộc đời của cụ. Do đó, nhiều người đã cùng tham gia giữ gìn, đóng góp cho di tích ngày càng trang nghiêm hơn. Ông Nguyễn Công Lý - Giám đốc KDT Nguyễn Sinh Sắc cho biết, KDT hiện nay rộng nhưng chỉ có 56 cán bộ, viên chức quản lý. Tuy nhiên, từ trước đến nay, tình hình an ninh trật tự bên trong KDT luôn được đảm bảo. Được như vậy là nhờ sự phối hợp tốt trong công tác bảo vệ KDT của các sở, ban, ngành trong tỉnh. Ngoài ra, ý thức bảo vệ KDT của khách tham quan ngày một được nâng lên, người dân xung quanh KDT cũng hỗ trợ điện báo lực lượng bảo vệ mỗi khi nghi vấn đối tượng có khả năng gây ảnh hưởng đến KDT.
Hữu Nghĩa