Lễ hội Halloween - Lai căng văn hóa kinh dị
Cập nhật ngày: 30/10/2012 04:22:46
Lễ hội Halloween xuất phát từ các nước phương Tây. Những năm gần đây, khi du nhập vào Việt Nam, lễ hội này thu hút khá đông bạn trẻ, đặc biệt ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM. Đến nay, vào mỗi dịp cuối tháng 10 (ngày 31-10), hàng loạt các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán bar, siêu thị đến các công viên văn hóa, nhà thiếu nhi, một số trường học… đều tất bật tổ chức lễ hội hóa trang, sinh hoạt, ăn uống mừng ngày lễ này.
Hóa trang Halloween của sinh viên Trường Đại học FPT
Hơn hết, giới trẻ là đối tượng chính, một lực lượng không nhỏ rất hồ hởi tham gia tổ chức và vui chơi Halloween - một lễ hội hóa trang thành ma, quỷ, quái vật, bộ xương di động, xác chết máu me đầy người… đậm chất rùng rợn, kinh dị. Đây cũng là dịp các gian hàng bán quà lưu niệm được mùa làm ăn. Các cửa hàng nhanh chóng nhập về nhiều mẫu mã mới, độc để phục vụ nhu cầu khách hàng. Những bạn trẻ “sùng bái” văn hóa ngoại thì hồ hởi hưởng ứng và chịu chi khá nhiều tiền cho khoản trang phục, đầu tóc, trang điểm gương mặt sao cho ác nhất, kinh dị nhất…
Những ngày qua, tại TPHCM đã xuất hiện rất nhiều hoạt động quảng cáo cho Halloween ở khắp nơi. Các đơn vị kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí tranh thủ thông tin đến công chúng từ rất sớm chương trình của mình với những tên gọi thật “ghê”: Đêm ác quỷ, Lễ hội của các âm binh… với nhan nhản các câu quảng bá gây sốc kiểu: “Địa ngục trần gian, nghĩa địa ma quái, oan hồn vất vưởng, quỷ dữ… đang chờ bạn” (?!). Và sẽ không có gì đáng bàn nếu cách hóa trang thật ghê rợn, hãi hùng với người yếu tim ấy không bị các bạn trẻ tinh nghịch đem làm trò nhát ma, hù dọa bạn bè, khiến không ít người phải một phen giật bắn mình, thót cả tim.
Đáng phê phán hơn khi lễ hội nước ngoài này bị một số nơi lạm dụng tổ chức thành sinh hoạt vui chơi giải trí dành cho trẻ thơ như là một món ăn văn hóa đáng thưởng thức! Vào sáng 29-10, tại một trường mẫu giáo ở quận Bình Thạnh, cả trăm phụ huynh tụ tập từ trong sân trường ra đến cổng để xem con cháu mình tham dự “lễ hội hóa trang” do nhà trường tổ chức.
Nội dung lễ hội xoáy sâu vào chủ đề Halloween nên hầu hết các bé đều hóa trang thành ác quỷ, bộ xương, ma bí ngô, phù thủy, đầu lâu… dưới sự hướng dẫn trình diễn của các cô giáo và cổ vũ của phụ huynh. Hình ảnh những em bé Việt Nam trong các trang phục, hóa trang thành ma quỷ phương Tây vô cùng phản cảm.
Một số trường học đã không ngần ngại chọn lễ hội Tây phương này làm môn sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh, khuyến khích các em tham gia hóa trang thành “những con quái vật dễ sợ nhất”. Hình thức sinh hoạt này không chỉ phản văn hóa mà còn phản cả giáo dục theo truyền thống Việt Nam.
Ngoài ra, tại một số nơi như siêu thị Co.opMart trên đường Phan Xích Long, sân chơi dành cho trẻ em ở tầng 2 cũng lấy chủ đề Halloween, trưng bày các hình ảnh ma quỷ, người chết sống dậy (zombie), bộ xương, một người chết đang cố thò đầu ra từ trong một cỗ quan tài làm bằng thùng carton… để thu hút sự tò mò của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, rất nhiều em bé đã hốt hoảng, sợ hãi trước cách bày trí khá ghê rợn ở đây.
Các trò vui của lễ hội ngoại này đang ngày càng phát tán rộng, bất chấp sự kém tương quan, không phù hợp với quan điểm thẩm mỹ, nhu cầu phát triển văn hóa Việt Nam. Chưa kể, các vật dụng đồ chơi nhuộm phẩm màu dùng để hóa trang luôn chất chứa những tiềm ẩn và nguy cơ nhiễm độc hóa chất. Nhiều đồ chơi có thể có pha nguyên tố chì - một chất làm bền và làm tươi màu sắc. Nhưng hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có sự kiểm nghiệm và kết luận chính thức nào về chất lượng các loại đồ chơi sử dụng trong lễ hội Halloween.
Những người kinh doanh chỉ biết thu lợi mà quên đi trách nhiệm với xã hội là góp phần gìn giữ, bảo tồn, tuyên truyền, phát huy và thúc đẩy phát triển văn hóa truyền thống dân gian, dân tộc trong thời đại mới. Các bậc phụ huynh cũng thiếu sự quan tâm sâu sát đến quá trình phát triển tư duy, văn hóa thẩm mỹ và lối sống của con trẻ. Cơ quan quản lý văn hóa cũng nên quan tâm hơn đến kiểu sinh hoạt ma quỷ này để tránh làm vẩn đục tâm hồn trẻ thơ và gây lệch chuẩn về thẩm mỹ trong xã hội. Điều này đáng cấp thiết báo động!
ĐH (Theo Thúy Bình-SGGPO)