Mới thu được 20% tiền bản quyền âm nhạc

Cập nhật ngày: 04/01/2013 11:20:29

Gần 47 tỉ đồng là số tiền mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) đã thu được từ các tổ chức sử dụng tác phẩm âm nhạc trên cả nước và từ các tổ chức tương ứng trên thế giới trong năm 2012.


Với đại nhạc hội Kpop Việt - Hàn diễn ra tại VN hồi tháng 12.2012,
VCPMC thu được trên 500 triệu phí bản quyền âm nhạc cho các tác giả Hàn Quốc

Đó là con số khá ấn tượng so với con số hơn 78 triệu đồng, cách đây 10 năm, khi VCPMC chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, theo luật sư Phạm Thanh Thủy - GĐ khu vực phía bắc - chúng ta đã có đầy đủ hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, thế nhưng có nhiều lý do để VCPMC - mặc dù có mức tăng trưởng đều và khá lớn - vẫn để đến 80% khối lượng công việc ngoài vòng kiểm soát. Lý do quan trọng nhất vẫn là ý thức của cộng đồng. Việc hưởng thụ âm nhạc miễn phí đã ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều người. Việc VCPMC phải “chạy” theo giải thích, đàm phán, thu tiền... diễn ra thường xuyên và khá mệt mỏi.

Số thành viên của VCPMC đã lên đến 2.375 nhạc sĩ, tác giả. Thế nhưng, ngay cả trong số đó, không phải ai cũng biết về quyền và nghĩa vụ của mình khi đã ký ủy thác cho trung tâm. Còn nhớ, cách đây vài năm, bức xúc trước cảnh những “đứa con tinh thần” của mình bị người ta lạm dụng kiếm tiền vô tư, gần 400 nhạc sĩ, người đại diện cho các tác giả đã ký vào bản kiến nghị đề nghị các đài phát thanh, truyền hình phải trả tiền tác quyền, thông qua VCPMC. Kiến nghị được gửi đi, không ít nhạc sĩ - là những người đã từng công tác tại các đơn vị đó đã “thanh minh” là mình bị “lừa ký”.

Còn hiện nay, khi ý thức về quyền tác giả đã bắt đầu hình thành trong xã hội thì có tác giả lại “phản bội “ lại đơn vị mà mình đã ủy thác, bằng cách đôi khi đàm phán trực tiếp với các đơn vị tổ chức biểu diễn để lấy tiền từ họ. Nhưng các nhạc sĩ ấy đâu có biết rằng, chỉ một lần xin phép trực tiếp như thế thôi, người ta có thể biểu diễn nhiều lần nữa mà không phải xin phép hay trả tiền thêm và quan trọng hơn là các nhạc sĩ đã vô tình tạo điều kiện cho các đơn vị này vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Thanh Thủy, trong tổng số tiền phí bản quyền thu được năm 2012, tỉ trọng lớn nhất là từ dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại di động (chiếm khoảng 25 - 30%), sau đó là các chương trình biểu diễn, các hoạt động thu âm băng, đĩa... Các website âm nhạc cũng sẽ là một thị phần hứa hẹn chiếm tỉ trọng lớn, nếu như dự án thu phí tải nhạc và nghe nhạc online được thực hiện suôn sẻ. Tuy nhiên, có lẽ chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về hạ tầng cơ sở nên trong gần một tháng (1 - 27.12.2012), đơn vị tổ chức mới chỉ thu được khoảng 17 triệu đồng. Hơn nữa, chất lượng của các file được bán vẫn không được như mong muốn của người mua. Bà Thủy cho biết, các bên liên quan trong dự án này đang nỗ lực hoàn thiện các điều kiện cần thiết để đến hết quý II/2013 sẽ chính thức triển khai.

(Theo LĐO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn