Nét mới của Khu Di tích Xẻo Quýt thu hút khách tham quan

Cập nhật ngày: 03/12/2012 03:43:33

Đường giao thông thuận lợi, khuôn viên di tích được mở rộng, nhiều dịch vụ mới được đưa vào khai thác đáp ứng nhu cầu của du khách. Đây là những nét mới của di tích Xẻo Quít, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh trong năm 2012. Nét mới này đã thu hút nhiều lượt khách đến tham quan, trung bình mỗi tháng Khu di tích đón trên dưới 2.000 lượt khách trong và ngoài nước.


Dịch vụ đan lát lục bình tại khu di tích Xẻo Quít
tạo ấn tượng tốt với du khách

Ước tính đến cuối năm 2012, có khoảng 51.810 lượt khách (trong đó có khoảng 3.000 lượt khách trong nước, nước ngoài) đến với di tích Xẻo Quít. Số lượt khách đến tham quan đạt hơn 123% so với kế hoạch năm 2012.

Để phục vụ cho nhu cầu của khách tham quan du lịch, Khu di tích Xẻo Quít chia thành 2 khu vực 1 và 2. Khu vực 1 có 50ha là điểm du khách tham quan, khu vực 2 có 25ha là nơi để khách dừng chân, sinh hoạt dã ngoại và các hoạt động vui chơi, giải trí khác. Trong năm 2012, cả khu vực 1, và 2 đều được nâng cấp và tu bổ thường xuyên. Ban giám đốc khu di tích tiến hành trùng tu định kỳ các mô hình nhà, công sự, hệ thống cầu bằng bê tông giả gỗ, nạo vét kênh trong khu di tích để trồng hoa súng, tạo cảnh quan cho khách đến thưởng lãm. Sau mùa lũ vừa qua, nhân viên di tích đã tổng vệ sinh cảnh quan dọc các tuyến đường chính, đồng thời nâng cấp nhà dừng chân để khách có nơi sinh hoạt tập trung.

Cũng trong năm 2012, Khu di tích đã đưa nhiều dịch vụ vào phục vụ nhu cầu khách du lịch như: dịch vụ dỡ chà bắt cá, đặt lọp, bắt vịt, đua xuồng ba lá, đi cầu khỉ... Những dịch vụ này đã tạo ấn tượng tốt cho du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Anh Trần Chí Cường - Phó Giám đốc khu di tích Xẻo Quít cho biết: “Đặc thù sông nước nên khu di tích đã mạnh dạn đưa loại hình dịch vụ bắt cá, dỡ chà trên sông vào khai thác từ đầu năm đến nay. Kết quả nhiều khách tham quan rất thích thú, điều này góp phần làm số lượng khách đặt chỗ tăng hơn so với thời điểm trước đây...”. Vào những ngày thứ bảy, chủ nhật, Khu Di tích còn có các hoạt động biểu diễn văn nghệ, đàn ca tài tử...

Những thay đổi này đã góp phần quảng bá hình ảnh di tích đến với các tỉnh lân cận và các thành phố lớn. Nhiều công ty du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ đặt hàng, đặc biệt vào các ngày cuối tuần. Em Nguyễn Phương Vy, ngụ đường Trần Não, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Em đến khu di tích lần đầu, thích nhất là khung cảnh nơi đây còn rất hoang sơ, không khí trong lành. Em ấn tượng với hình ảnh các chị bơi xuồng dưới rạch. Em sẽ giới thiệu để các bạn đến đây tham quan, vui chơi...”.

Song song với các dịch vụ du lịch, Khu di tích còn chú ý đến các quầy hàng lưu niệm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách trong chuyến tham quan. Với phương châm đa dạng hóa sản phẩm lưu niệm, Khu di tích đã tạo điều kiện cho người dân bên ngoài vào tham gia đan lát các sản phẩm như giỏ, sọt, nón bằng nguyên liệu lục bình ngay trong khuôn viên di tích. Hình ảnh các chị phụ nữ mặc áo bà ba, quấn khăn rằn đan lục bình cũng là nét chấm phá thú vị đối nhiều người khi đến đây, nhiều khách du lịch thấy lạ mắt cũng dừng lại, chụp ảnh và xin vào làm thử.

Cùng với các sản phẩm mang tính đặc trưng riêng, Khu di tích còn ký kết hợp đồng với các đơn vị bên ngoài trong việc trưng bày và tiêu thụ các sản phẩm hàng lưu niệm như kết hạt cườm, giỏ cườm, bình hoa bằng cườm, đồ thủ công mỹ nghệ bằng gỗ tràm... Anh Trần Chí Cường cho biết thêm: “Cùng với những thuận lợi thì các quầy hàng lưu niệm vẫn còn gặp nhiều khó khăn về việc bảo quản sản phẩm, lượng khách du lịch chưa ổn định..., tuy nhiên nhu cầu mua sắm đặc sản địa phương của du khách khá lớn, vì vậy sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp, đa dạng hóa các hàng hóa đặc sản địa phương đáp ứng nhu cầu...”.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn