Nét văn hóa ứng xử của người Đồng Tháp qua một số văn bản ca dao quen thuộc

Cập nhật ngày: 18/07/2024 05:34:50

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240718053528dt2-9.mp3

 

ĐTO - Đọc lại một số văn bản ca dao Đồng Tháp mà tôi và nhóm tác giả Đỗ Văn Tân (chủ biên), Vũ Hoàng Đoàn, Đinh Thiên Hương, Lê Hương Giang đã sưu tầm và xuất bản thành cuốn sách “Ca dao Đồng Tháp Mười” (Sở Văn hóa và Thông tin Đồng Tháp, 1984), càng nhận ra nét độc đáo trong văn hóa ứng xử của người Đồng Tháp. Đó là phẩm chất thủy chung, bộc trực, mạnh mẽ, thơm thảo, hào phóng... được hình thành, gìn giữ, lưu truyền bao đời nay.Trong bài viết ngắn này, xin minh họa bằng 3 văn bản ca dao tiêu biểu, quen thuộc, qua đó nhằm khắc họa ít nhiều cho luận điểm nói trên.

Trước hết là bài ca dao:

Cho dù cạn nước biển Đông

Hết tràm/sen Đồng Tháp vẫn không phai/quên lời”

Bài ca dao tôn vinh lòng thủy chung của con người nơi đây - một nét văn hóa ứng xử có tự bao đời, ngay thuở đầu khai phá vùng đất mới. “Lời” ở đây là sự hứa hẹn sắt son của tình yêu lứa đôi, của tình nghĩa vợ chồng, của người dân với lãnh tụ, với cuộc kháng chiến ái quốc... Trong nhiều ngữ cảnh giao tiếp khác nhau, bài ca dao đều có thể xuất hiện để diễn đạt tình cảm một cách tinh tế nhất. Tôi cho rằng, trong nhiều phẩm chất tốt đẹp mà con người luôn phấn đấu, tích lũy cho mình để biết sống đẹp, “sống ra người”, tính cách “trước sau như một”, “có trước có sau”... chính là một trong những tiêu chí hàng đầu. Có tất cả mà không có tấm tình thủy chung, son sắt thì rút cục, cuộc sống cũng vô nghĩa, vô lý và đầy giả trá... Như một nét văn hóa nói chung, văn hóa ứng xử nói riêng, người Đồng Tháp mãi luôn dặn nhau, qua từng thế hệ, rằng, đừng bao giờ phai/quên niềm hẹn ước, lời thề thốt... như tràm, như sen kia, bám chặt, tồn tại vĩnh cửu với đất đai quê hương.

Cái hay ở đây là bên cạnh mô - típ “cạn nước biển Đông” rất quen thuộc trong ca dao nhiều vùng, miền, khi đem ra làm tiêu chí so sánh cho phẩm chất thủy chung của con người thì bài ca dao này còn “làm mới”, đưa ra vế so sánh bằng một sản vật đặc trưng của Đồng Tháp là “tràm” (dị bản là “sen”) hết sức trực quan, cụ thể, sinh động. Tràm/sen ở Đồng Tháp là biểu tượng của sự bất diệt, vĩnh hằng. Ví với lòng chung thủy của con người nơi đây như vậy, quả không có gì thuyết phục hơn.

Văn bản ca dao thứ 2 là nói về không chỉ tình người, sự thủy chung, son sắt... cụ thể là tình cảm gia đình - tình vợ chồng, mà còn toát lên khí chất con người (nhất là người đàn ông) Đồng Tháp - bộc trực, rành rẽ, mạnh mẽ, quyết liệt và phảng phất một chút u - mua (bông đùa):

“Anh nằm chết thử vài giờ

Để coi con vợ ruột ăn ở phụng thờ ra sao”

Bài ca dao “lạ”, khi đưa ra cái “phép thử” vô tiền khoáng hậu nhưng có lý này. Đương nhiên, “chết thử”, nghĩa là giả đò chết, chắc chắn sẽ bất khả thi (người vợ chỉ cần đặt tay lên mũi hay áp tai vào ngực chồng là lập tức phát hiện ra). Cái “chết thử” dữ dội này chỉ xuất hiện trong ý nghĩ của đức ông chồng, khi anh cho rằng, phương thức duy nhất này, may ra, mới có thể “đo” được phẩm chất “tam tòng tứ đức” của “con vợ ruột” (người vợ duy nhất, số 1 mà anh yêu thương hết mực). Có người cho rằng, đây có lẽ cũng là cách bộc lộ lòng ghen tuông vô độ của người chồng. Dù hiểu theo hướng nào thì một “phép thử” mãnh liệt, dữ dội như thế đã thể hiện cụ thể, sinh động tính cách chân thành, bộc trực, nói thẳng nói thật, nghĩ gì làm vậy... của người đàn ông Đồng Tháp. Nét văn hóa ứng xử này, lâu nay, ta vẫn nghe truyền tụng nhiều. Theo tôi, bài ca dao là một trong những minh chứng tiêu biểu, sống động, rất đáng ghi nhận. Riêng văn bản ca dao này, tôi đã có một bài viết tâm đắc, in từ nhiều năm trước.

Văn bản ca dao thứ 3 mô tả, giới thiệu sản vật và ẩm thực mang tính đặc trưng ở Đồng Tháp, tuy vô cùng quen thuộc, song, lúc nào cũng mới mẻ, hấp dẫn. Đó không chỉ là sự phong phú, dồi dào của sản vật được thiên nhiên ưu đãi, mà sâu xa hơn, chính là tấm lòng hào phóng, thơm thảo, hiếu khách... - một nét văn hóa ứng xử của con người nơi đây:

“Muốn ăn bông súng mắm/cá kho

Thì về/vô Đồng Tháp ăn cho đã/đỡ thèm”

Bài ca dao này có một vài dị bản. Dị bản nào cũng có nghĩa lý riêng và những khơi gợi nhất định của nó. Trong bài viết này, xin không nói về sự phong phú, dồi dào và độc đáo của sản vật và ẩm thực... nơi đây, mà bàn về nét nghĩa thơm thảo, hào phóng... trong văn hóa ứng xử của người Đồng Tháp. Có lẽ, tất cả hàm chứa trong một từ “đã” ấy. Nghĩa là, người dân Đồng Tháp đã mời, đã đãi, dù món ăn dân dã của miệt đồng “bông súng mắm kho” hay bất cứ đặc sản ẩm thực nào của quê hương là không dè sẻn, hà tiện... Ngược lại, muốn mang hết ra tiếp khách, muốn khách “ăn” cho “đã” mới chịu!

Văn bản bài ca dao này trong cuốn sách mà chúng tôi sưu tầm, ghi duy nhất cách diễn đạt “ăn cho đã thèm”. Trong bài này, để tôn trọng tính dị bản của văn học dân gian, xin chép kèm theo cụm từ “đỡ thèm”. Tuy vậy, trước sau, tôi vẫn cho rằng, “đã” mới chuẩn, mới hay, mới gợi... Đặc biệt, rất hợp với mệnh đề mà tác giả chọn làm ý tưởng chủ đạo của bài viết. Còn “đỡ” là làm giảm bớt cái hấp dẫn, cái nhiều số 1 của “bông súng mắm kho”, của tấm lòng người Đồng Tháp, thành ra có gì đó “ngược lại ” - ngợi ca, tôn vinh mà hóa ra như giảm nhẹ liều lượng, mức độ...

Cùng trường nghĩa phong phú, dồi dào, thảo thơm, hào phóng... của đất và người Đồng Tháp với bài ca dao này là một số bài ca dao quen thuộc khác:

“Ai ơi về miệt Tháp Mười

Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn” hay:

“Đất/Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh

Nước Tháp Mười lấp/lóng lánh cá, tôm

Ai đi Châu Đốc, Nam Vang

Ghé qua/về ngang Đồng Tháp thấy bạt ngàn bông sen”...

Văn hóa ứng xử nơi một miền đất, ra đời, định hình qua nhiều thế hệ, góp phần xác lập cốt cách, dáng nét văn hóa chung ở đó, cũng như tính cách của con người nói riêng qua không gian, thời gian. Ghi lại, gìn giữ, lưu truyền điều đó, có một phần của văn nghệ dân gian nói chung, ca dao nói riêng. Trên đây, chính là một ví dụ, có thể còn mang chút chủ quan của người viết, song, tác giả vẫn mong chia sẻ với mọi người, qua đó để cùng tự hào, trân trọng và gìn giữ những miền văn hóa thiêng liêng và tốt đẹp của Đất Sen hồng.

C.V.T

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn