Người góp phần gìn giữ nghệ thuật đờn ca tài tử

Cập nhật ngày: 19/08/2013 04:27:41

Trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay, mặc dù nhiều người không mặn mà với âm điệu mượt mà, bay bổng của những làn điệu cải lương độc đáo ở vùng đất Nam Bộ, nhưng vẫn còn những “nghệ nhân” say sưa với cung đàn tiếng hát của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT).


Chú Nguyễn Văn Cạch “trổ tài” với đờn ghi - ta phím lõm

Chúng tôi đến ấp Tân Hòa B, xã Tân Phú, huyện Thanh Bình tìm gặp chú Nguyễn Văn Cạch - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT xã Tân Phú, người được giới ĐCTT trong huyện xem như “sư phụ” trong nghề. Khi còn bé, chú Cạch đã thể hiện niềm say mê ca hát. Năm 10 tuổi, chú thường lân la đến các nơi tổ chức ca hát, đám tiệc để được nghe những chú bác lớn tuổi biểu diễn, đờn ca. Đến năm 16 tuổi, thấy chú Cạch say mê với bộ môn nghệ thuật này, các nghệ nhân trong vùng đã đồng ý truyền đạt “món nghề” của tổ tiên.

Ban đầu, chú được làm quen với bài bản đờn và nghệ thuật ca. Với niềm đam mê và tố chất sẵn có, chú Cạch đã nhanh chóng nhuần nhuyễn 20 bài bản tổ gồm: ba nam, sáu bắc, tứ oán và bảy bài nhạc lễ. Thời gian đó cũng là lúc chú Cạch học hỏi và trau dồi vốn hiểu biết về ca cổ và rèn luyện ngón đàn của mình ngày càng mê hoặc lòng người.

Qua hơn 50 năm gắn bó với “nghiệp” ĐCTT, chú Cạch là một trong những nghệ nhân cao tuổi còn giữ được ngón đờn độc đáo này. Tài năng của chú Cạch đã được kiểm chứng thông qua các cuộc thi ĐCTT cấp huyện, tỉnh với nhiều thành tích đáng nể. Chú từng tham gia Liên hoan các CLB ĐCTT cấp huyện trong nhiều năm và đạt 1 giải A, 3 giải B, 1 giải C; 2 lần tham gia Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi tỉnh với thành tích 1 giải B và 1 giải C.

Từ năm 2005 - 2008, chú được Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Tam Nông mời tham gia sinh hoạt cùng CLB ĐCTT của huyện và là trong những cây đờn xuất sắc của đơn vị. Chú Cạch còn là Phó chủ nhiệm CLB ĐCTT xã Tân Phú từ năm 2002 đến nay. Ngoài sinh hoạt tại CLB, chú còn tích cực tham gia các buổi giao lưu với các CLB ĐCTT của địa phương trong, ngoài huyện và các tỉnh bạn.

Để lưu truyền nghệ thuật ĐCTT, chú Cạch đã không ngại vất vả truyền dạy cho các thành viên trong gia đình những ngón đờn, lời ca. Bên cạnh, chú còn nhận lời truyền dạy cho hơn 10 “học viên” trong và ngoài huyện về đờn, ca. Đến nay, những “học trò” của chú đã “trưởng thành” và tham gia sinh hoạt trong các CLB ĐCTT tại địa phương.

Anh Nguyễn Trọng Việt (ngụ ấp Tân Hòa A, xã Tân Phú, Thanh Bình) là người từng nể phục tài năng của chú Cạch và theo chú “học nghề” cho biết: “Từ những ngày đầu theo học ĐCTT, tôi được thầy Cạch dìu dắt, chỉ bảo rất tận tình. Khi tôi hát sai, đờn lạc nhịp, thầy chỉnh ngay. Thầy đã truyền đạt cho chúng tôi tất cả những “món nghề” mà thầy biết. Vì thầy muốn chúng tôi sẽ tiếp tục mang những nét đẹp của bộ môn ĐCTT này dạy lại thế hệ sau”.

Chú Nguyễn Văn Cạch tâm nguyện: “ĐCTT bây giờ đã không còn được vị trí vốn có và nếu chúng ta không biết giữ gìn thì sẽ bị mai một. Vì thế, tôi muốn gắn bó với nghề này để giúp thế hệ sau biết về vốn văn hóa truyền thống và tiếp tục gìn giữ và phát huy”.

Phước Lộc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn