Người góp phần phát triển di sản văn hóa phi vật thể

Cập nhật ngày: 30/03/2024 05:38:11

ĐTO - Với mong muốn giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Làng nghề dệt choàng Long Khánh (huyện Hồng Ngư), chị Lê Thị Huế, sinh năm 1976, ngụ xã Long Khánh A, huyện Hồng đã biến tấu chất liệu chiếc khăn rằn để tạo ra nhiều sản phẩm nhằm quảng bá chiếc khăn rằn Nam Bộ đến với mọi người trong nước và quốc tế.

Đi qua nhiều ngã rẽ với nghề, từ cô sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Anh, cô thợ chụp ảnh cưới. Giờ đây, chị Huế lại bén duyên với nghề thợ may. Chị Huế đã dành tình yêu nghề và sự quyết tâm gìn giữ giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Nghề thủ công truyền thống dệt choàng Long Khánh.

Chị Huế chia sẻ: “Tôi thấy, nếu sản phẩm luẩn quẩn trong xã thì cũng bình thường nên trăn trở mãi, suy nghĩ làm sao để sáng tạo ra nhiều sản phẩm đi khắp nơi. Đầu tiên, tôi may ba lô dây rút mẫu sản phẩm đơn giản nhất nên cứ việc lên may lại rồi buộc dây rút đó là sản phẩm đầu tiên bán chạy”.

Đến nay, chị Huế đã nghiên cứu và may ra khoảng 10 loại sản phẩm như: ba lô, nón kết, nón bo, nón rộng vành, túi tròn, túi trụ, bóp điện thoại… Cứ như vậy, ngày càng có nhiều người đến và yêu thích những sản phẩm. Mỗi ngày, chị Huế may khoảng 20 sản phẩm, tất cả đều do chị tự thiết kế. Song, cũng có những đơn hàng khó phải nghiên cứu từ 2 đến 3 ngày mới cho ra một sản phẩm. Từ khi Làng nghề dệt choàng Long Khánh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào ngày 2/8/2023, sản phẩm khăn choàng và những sản phẩm của chị được du khách gần xa biết đến nhiều hơn. “Ban đầu, tôi may hơi chậm phải may xuyên đêm. Có đợt khách đặt 500 túi phải may từ 6 giờ sáng đến 2 giờ khuya. Từ từ, tôi may quen nên may nhanh hơn, không phải may khuya nữa” - chị Huế cho biết.

Dọc theo sông Tiền, Làng nghề dệt khăn choàng Long Khánh được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XX. Đến nay, làng nghề còn trên 50 hộ dân với hơn 140 khung dệt máy hoạt động. Mỗi năm, làng nghề cung ứng ra thị trường trên một triệu chiếc khăn và sản phẩm từ khăn choàng. Vượt lên giá trị sử dụng, chiếc khăn rằn trở thành biểu tượng riêng có, là món quà tặng mang nét đặc trưng văn hóa vùng đất Hồng Ngự.

Chính sự nhiệt huyết và tình yêu nghề, yêu giá trị truyền thống mà ông cha đã tạo dựng và vun đắp, thế hệ tiếp nối như chị Lê Thị Huế sẽ là một phần không thể thiếu để đưa Di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống dệt choàng Long Khánh tiếp tục được trao truyền qua bao thế hệ.

DƯƠNG ÚT – MINH THI

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn