Nguyễn Hòa Hiệp - đằm thắm một mối tình quê
Cập nhật ngày: 12/08/2015 12:28:54
Nhắc đến văn học Đồng Tháp trong vài năm gần đây, người đọc đặc biệt ấn tượng với nhà thơ trẻ Nguyễn Hòa Hiệp không chỉ vì anh xuất hiện khá đều trên thi đàn văn nghệ mà còn với một phong cách thơ rất riêng. Ở đó, không chỉ có hình ảnh quê nhà với cánh đồng lúa xanh, ngọn tràm, củ năng, củ lác; với bến nước trong đầu ngày vi vu gió, giàn mướp phơ phất hoa vàng gọi bướm ong về hút mật, đám trẻ con vùng sâu băng qua con đường lũ đến trường... mà còn có cả tình yêu thương trìu mến của bà, của mẹ, của chị, của em cùng những kỉ niệm thân thương gắn với bảng đen, phấn trắng, học trò - môi trường làm việc quen thuộc của anh.

Nhà thơ trẻ Nguyễn Hòa Hiệp
Nguyễn Hòa Hiệp, sinh năm 1982, anh bắt đầu làm thơ từ thời còn là sinh viên Văn khoa của Trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp. Gần 10 năm qua, nhà thơ trẻ quê gốc Châu Thành này đã có mấy mươi bài thơ đăng ở nhiều báo, tạp chí Trung ương và địa phương, giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi thơ xuân TP.Cao Lãnh 2011, nhiều lần đạt giải trong các đợt xét hỗ trợ đầu tư thường niên của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (LHVHNT) Đồng Tháp và được đông đảo hội viên tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành Phân hội Văn học - Hội LHVHNT Đồng Tháp.
Mỗi nhà thơ khi viết về quê hương đều chọn một góc nhìn để thể hiện niềm thương nỗi nhớ, để giải bày những trăn trở, âu lo và để thấy tròn vẹn một góc quê nhà phía mù xa. Đồng Tháp năm nào mùa lũ cũng đi qua, nhiều khi chén cơm nhà nông treo giữa hai bờ thất bát. Dòng nước sông Tiền, sông Hậu ngầu đỏ, cuồn cuộn chảy vào thơ Nguyễn Hòa Hiệp thành những câu đầy ám ảnh: “Vàng bông lúa trắng hiên nhà/Nông dân ngụp lặn như là chiều rơi/Mùa trăng ướt bóng trăng soi/Mà nghe đất thở trong lời gió giông”. Đi qua những gian khó, tảo tần để biết quý trọng nâng niu từng giọt mồ hôi đã rớt, để biết phải thật chân thành trong mỗi sẻ chia: “Vùng quê ấy tôi sinh ra/Cho tôi biết giọt mồ hôi mặn đắng/Biết yêu thương từng ngọn lúa/Biết làm người...”.
Hình ảnh con người luôn là trung tâm cho mỗi bức tranh thơ, con người trong thơ Nguyễn Hòa Hiệp gần gũi và bình dị lắm. Đó không ai khác hơn là cô gái Nha Mân áo bà ba gánh hàng rong, là bà má mấy lần tiễn con ra trận rồi đón con về phía khói nhang bay, là ba lưng trần nắng cháy, là mẹ với “Tiếng ru con trong khói lam chiều/Bếp lửa hồng quyện qua mùa lất phất/Bát cơm nào rơm rớm một tình yêu”, là em của tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo, cõng nụ mùa xuân về phía mai vàng bung rực một góc nhà quê... Tất cả hiền từ như trong truyện cổ tích mà lại hiện hữu giữa đời thường như nét đẹp người quê.
Nói vậy không có nghĩa là trong thơ anh không có những trăn trở trước những đổi thay. Giữa thời công nghiệp, quê dần lên phố, dẫu vẫn gặp được “Nụ cười bất chợt trong lành tặng nhau” nhưng vẫn thấy buồn buồn, xon xót trước hình ảnh “Ngửa nghiêng con gái thị thành/Nói cười hiên quán nắng xanh mặt đường”. Mà đâu chỉ vậy, giữa con đường đi về phía trước, biết bao ngã rẽ cuộc đời đưa người đi nhiều khi xa lắm, chàng thi sĩ nhận ra: “Ta đi qua thấy mình bé nhỏ/Gởi lại mình sau những cơn giông/Chân vụng về trên con đường sỏi đá/Xin cúi đầu tạ lỗi với sau lưng...”.
Chính vì nhận ra điều đó, nên trong khá nhiều bài thơ viết cho học trò mình, Nguyễn Hòa Hiệp đã gởi gắm bài học lớn của tình yêu, lòng bao dung và cách sống: “Và một ngày em cũng biết lớn lên/Không biết em được nhiều hay là mất/Khi cuộc sống này vừa rộng lại vừa chật/Quan trọng là mình phải biết lối đi”. Những câu thơ ấy sẽ theo bao thế hệ học trò để góp phần làm nên vẻ đẹp nhân cách của những con người biết yêu quê hương và biết yêu thương nhau giữa cuộc đời!
Nguyễn Giang San