Nhiếp ảnh gia Trần Bích với vẻ đẹp Đời sen

Cập nhật ngày: 19/12/2012 05:23:27

Những ngày diễn ra Hội chợ triển lãm "Nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư Đồng Tháp năm 2012" và "Ngày hội Tam Nông" tại Khu Liên hợp thể dục thể thao của tỉnh Đồng Tháp, nhiều khách tham quan trong và ngoài tỉnh đã thú vị khi dừng chân ở Khu triển lãm ảnh "Sen Hồng Đồng Tháp - Đời sen 18".


Nhiếp ảnh gia Trần Bích trong 1 lần chụp ảnh ở Đồng Tháp

Chị Nguyễn Thị Vân Hoa đến từ huyện Tháp Mười cho biết, vốn rất quen mắt với sen, từng thấy nhiều đầm sen, ruộng sen bát ngát ở quê nhà, nhưng khi ngắm những bức ảnh triển lãm của tác giả Trần Bích chị thấy sen mang vẻ đẹp khác lạ, bình dị nhưng ấm áp, thanh cao.

Duyên nợ với sen

Nhiếp ảnh gia Trần Bích tên thật là Trần Văn Bích, quê ở tỉnh Khánh Hòa. Ông vốn là 1 doanh nhân kinh doanh nhiều lĩnh vực khách sạn nhà hàng du lịch. Ông đến với nghệ thuật nhiếp ảnh cách nay chừng 10 năm. Lúc đầu chỉ là thú vui tao nhã sau những ngày làm việc căng thẳng. Thế nhưng, khung cảnh thiên nhiên hoang dã, yên bình của những đồng sen mọc hoang dại trong tự nhiên ở điểm du lịch Mũi Kê Gà - thuộc tỉnh Phan Thiết đã thức tỉnh trong ông một tình yêu với sen.

Nhiếp ảnh gia Trần Bích kể: Lúc đầu thấy từ xa những bông hoa đỏ hồng nhấp nhô trên dãi cát vàng rất lạ lẫm chẳng lẽ là hoa hồng hay tuylip nhưng sao mọc ở đây, chạy riết tới gần thì trời ơi hoa sen! Vậy là sẵn chiếc máy ảnh tôi chụp lấy chụp để, tối đó về xem lại thì sao mà đẹp lạ đẹp lùng. Vậy là mê mẫn với sen từ đó.

Thế là doanh nhân Trần Bích quyết định giao hết công việc kinh doanh lại cho các thành viên trong gia đình và dành hết thời gian cho sen, nghe ở đâu có sen là ông tìm đến. Xa mấy cũng đi, khó mấy cũng lặn lội đến. Những đầm sen xa tít các tỉnh miền Trung như: Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Thanh Hóa, Nam Định, hay tận Hà Nội, Bắc Ninh,... ông cũng tìm đến. Đặc biệt là những cánh đồng sen hoang dại bát ngát ở miệt ĐBSCL, ở Đồng Tháp ông đã nhiều lần tìm đến và lưu giữ hàng ngàn bức ảnh với nhiều góc máy khác nhau.

Là 1 người "tay ngang" chưa từng học qua nghệ thuật nhiếp ảnh, hoàn toàn có khả năng mua những ống kính "Têlê" đặc chủng để có thể đứng từ rất xa cũng chụp được sen với độ nét cao, hay nhờ kỹ xảo "photoshop" để chỉnh nắn lại dáng hình, màu sắc, thậm chí không gian, bối cảnh của hoa sen, thế nhưng ông không làm vậy mà mỗi lần chụp ảnh ông đều đến rất gần với sen, quan sát kỹ nét riêng của sen, ý tứ dáng dấp,... Ông không ngại lội bùn, lội ruộng, thậm chí ngâm mình trong những hố sen, ruộng sen, những búp sen lẻ loi ở 1 góc khuất nào đó để chụp đúng với ánh sáng, bố cục tự nhiên. Nếu cỏ rác vây quanh nhiều quá hay bị che lấp thì ông tỉ mỉ dọn dẹp rồi mới chụp.

Quan sát những ruộng sen, đầm sen ông nhận ra sen quả giống với đời người, lá sen non có, già có, khô héo cũng có, búp sen thì có khi mới nhú, có khi căng tròn vươn cao, hoa sen khoe sắc kiêu hãnh rồi cũng đến lúc tàn úa rơi rụng, cộng đồng sen chen chúc đan xen với nhau xoay vần cũng như đời con người: hỉ nộ ái ố bi ai lạc vậy thôi. Chính nhờ sự lĩnh hội sâu kín ấy cộng với tinh thần lao động nghệ thuật say mê mà nhiếp ảnh gia Trần Bích đã ghi lại được rất nhiều khoảnh khắc lạ, hiếm về sen.

Trong đó nhiều bộ ảnh trở nên quí hiếm, độc đáo như bộ ảnh mà ông tình cờ chụp được ở Củ Chi. Chỉ với 1 vài bụi sen mọc hoang ở đầm nhỏ, nhưng có thân hình uốn éo rất kỳ lạ. Thân sen chắc, khỏe xanh mướt rất dài nhưng uốn éo quấn lấy nhau khiến người xem thảng thốt liên tưởng đến những nạn nhân chất độc da cam đang quằn quại đớn đau nhưng vẫn dâng hiến cho đời những bông hoa hồng hào thắm thiết, trong ngần, tuyệt sắc. Hay như câu chuyện về loài sen Tịnh đế "một cành 2 hoa" dù nứt làm đôi nhưng vẫn gắn bó nâng đở nhau trên cùng một thân như tình chị em ruột thịt không rời...

Gần 3 tỷ đồng làm từ thiện

Nếu ai có dịp thưởng thức triển lãm về "Đời sen" của nhiếp ảnh gia Trần Bích chẳng những cảm nhận sự thăng hoa vô tận của sen mà còn ngưỡng mộ lòng nhân ái nghệ thuật của tác giả. Bởi tất cả tranh triển lãm được bán để làm từ thiện, giúp đỡ cho trẻ mồ côi, người già neo đơn, người bệnh và học sinh nghèo vượt khó hiếu học tại các nơi tổ chức triển lãm.

Qua 18 Đời sen với sự chuẩn bị công phu ở nhiều nơi, nhiếp ảnh gia Trần Bích đã hiến tặng gần 3 tỷ đồng cho từ thiện. Trong đó 2 cuộc triển lãm Đời sen 12 (10/2011) và Đời sen 18 vào dịp Hội chợ thương mại xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp 2012 tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp đã thu được gần 1 tỷ đồng, toàn bộ số tiền này nhiếp ảnh gia đã hiến tặng cho Quỹ khuyến học Nguyễn Sinh Sắc, giúp đỡ sinh viên nghèo hiếu học của tỉnh nhà.

Với những cống hiến và tấm lòng nhân ái của mình, nhiếp ảnh gia Trần Bích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TPHCM, Đồng Tháp và TP. Đà Lạt,... trao tặng nhiều Bằng khen. Tổ chức kỷ lục Việt Nam cũng đã cấp Bằng chứng nhận 2 kỷ lục Việt Nam về Hoa sen cho nhiếp ảnh gia Trần Bích. Đặc biệt mới đây vào ngày 23/11/2012, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cũng đã trao tặng Bằng khen cho nhiếp ảnh gia - kỷ lục gia Trần Bích về thành tích đặc sắc trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Ngọc Hoa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn