Nhớ ơn nhà chí sĩ Nguyễn Quang Diêu

Cập nhật ngày: 22/06/2016 10:54:03

ĐTO - Cứ ngày 15/5 âm lịch hằng năm, lãnh đạo địa phương, bà con nhân dân và người thân nhà chí sĩ Nguyễn Quang Diêu tổ chức Lễ giỗ cụ. Năm nay tròn 80 lần lễ giỗ cụ. Đó là tấm lòng, sự tri ân đến cụ - một chí sĩ, nhà nho, nhà thơ giàu lòng yêu nước, một nhân cách cao đẹp.


Giáo viên, học sinh chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích mộ cụ Nguyễn Quang Diêu

Hôm chúng tôi đến Khu di tích lịch sử mộ cụ Nguyễn Quang Diêu (tại ấp Tân Chủ, xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh) đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm lễ giỗ cụ. Ngoài lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương, nguyên lãnh đạo tỉnh đã về hưu và người thân của cụ, chúng tôi còn bắt gặp bà con nhân dân, học sinh, giáo viên vào khu mộ thắp nhang viếng cụ.

Tâm sự với chúng tôi, em Nguyễn Minh Anh - học sinh lớp 11 chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu bộc bạch: “Tìm hiểu về cuộc đời cụ, em thấy quý cụ và biết ơn cụ vô cùng. Em sẽ chăm chỉ học tập, ra sức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong để ngày càng tiến bộ hơn, xứng đáng với niềm kỳ vọng của thầy cô, ba mẹ, góp phần xây dựng thêm bề dầy thành tích vẻ vang của trường, xứng đáng là học sinh của ngôi trường mang tên Nguyễn Quang Diêu - một viên ngọc quý của thế kỷ 20”.

Tại buổi lễ giỗ cụ Nguyễn Quang Diêu, chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với bác Nguyễn Quang Minh (64 tuổi) cháu nội cụ Nguyễn Quang Diêu, ngụ tại phường Bình Khánh, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang. Không chỉ vào dịp lễ giỗ, những ngày bình thường, bác Minh cũng thường về quê thắp hương viếng mộ nội, cùng con cháu và học sinh đang học tập trên địa bàn TP.Cao Lãnh vệ sinh, chăm sóc cây tại khu mộ.

Trước sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc tổ chức lễ giỗ cũng như xây dựng khu mộ cụ, bác Nguyễn Quang Minh bày tỏ: “Được Đảng, chính quyền ghi nhớ công lao của cụ Nguyễn Quang Diêu, long trọng tổ chức lễ giỗ cụ để phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước của cụ, đây là niềm vinh dự và tự hào nhất của gia đình tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước của cụ, không ngừng giáo dục, dạy dỗ con cháu trở thành người có ích cho xã hội”.

Cụ Nguyễn Quang Diêu sinh năm 1880, người làng Tân Thuận, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp). Ngày 15/5 năm Canh Tý (1936), cụ bị bệnh qua đời, được đồng bào, đồng chí và môn sinh an táng tại làng Vĩnh Hòa (năm 1989 được cải táng về quê nhà).

Với tư chất thông minh, bản tính điềm đạm, trung thực, lòng nhiệt huyết cách mạng, nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Quang Diêu đã dâng trọn tuổi thanh xuân và cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước.

Nhớ ơn nhà chí sĩ giàu lòng yêu nước, một nhân cách cao đẹp, đồng thời thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, UBND tỉnh và UBND TP.Cao Lãnh đã tổ chức xây dựng khu mộ cụ Nguyễn Quang Diêu và khánh thành vào ngày 14/2/2007.

Hiện nay, tên cụ được đặt cho một con đường trong nội ô TP.Cao Lãnh, tên một trường THCS tại huyện Tân Hồng và tên trường THPT chuyên tại TP.Cao Lãnh, đặc biệt là tên Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh 5 năm tổ chức một lần (vào ngày 30/6 tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức tổng kết, trao giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu lần thứ III).

Nội và cha cụ Nguyễn Quang Diêu là những người có tiếng về nho học, nên ngay từ nhỏ cụ được chăm sóc, giáo dục chu đáo. Mặc dù tuổi còn nhỏ lại đang phải học hành, nhưng cụ vẫn thường xuyên theo dõi tình hình phong trào yêu nước, kháng Pháp trong cả nước. Năm 1907, cụ tham gia phong trào Đông Du với tư cách một cổ động viên, vận động thanh niên sang Nhật du học, quyên góp ủng hộ phong trào. Cụ góp phần đưa vùng Cao Lãnh trở thành một trong những nơi có phong trào Đông Du mạnh ở miền Nam. Năm 1908, phong trào tan rã, du học sinh bị trục xuất về nước, cụ bị giam cầm một thời gian mới được trả tự do, song vẫn phải trong tình trạng bị an trí. Cụ tìm cách liên lạc với những người yêu nước khắp nơi để tiếp tục xây dựng phong trào ở địa phương. Tháng 5/1913, cụ dẫn đầu một phái đoàn gồm có Đinh Hữu Thuật và 10 đồng chí khác cùng với hai thiếu niên sang Hồng Kông hoạt động. Vừa đến nơi, tất cả đều bị thực dân Anh bắt và chúng giao cụ cho Pháp ở Việt Nam và bắt giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), rồi đày sang Guyane, Nam Mỹ. Năm 1917, cụ vượt ngục, sau đó sang các nước Mỹ, Trung Quốc,... tìm cách bắt liên lạc với các nhà cách mạng Việt Nam ở hải ngoại. Cuối năm 1926, cụ bí mật về hoạt động trong nước. Sau một thời gian ở Sài Gòn, cụ tới Sa Đéc (nay là Đồng Tháp) được sự hỗ trợ nhiệt tình của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy và cụ Võ Hoành. Từ đây cụ phải đổi tên nhiều lần (Nam Xương, Trần Văn Vẹ,...) và cải trang để đi hoạt động. Cao Lãnh, Hồng Ngự, Tân Châu, Châu Đốc,... là những địa phương cụ thường lui tới tuyên truyền giáo dục quần chúng và tạo được nhiều cơ sở cách mạng.

Năm 1930, cụ được một số hương chức làng Vĩnh Hòa (Tân Châu) giúp đỡ mở trường dạy học tại đây. Đa số học trò cụ đều tham gia cách mạng, trong đó có nhiều người thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, giữ vai trò lãnh đạo trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và về sau ở hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp. Không chỉ thế, cụ còn sáng tác thơ văn, bộc lộ ý chí và nguyện vọng cứu nước. Cuộc đời nhà chí sĩ yêu nước, nhà thơ Nguyễn Quang Diêu là niềm tự hào về truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của quê hương Cao Lãnh.

Cụ qua đời để lại một lượng lớn tác phẩm thơ, góp phần không nhỏ trong văn học yêu nước Việt Nam thời cận đại, đánh dấu bước ngoặt tư tưởng trong cách mạng nước ta trong những thập niên đầu của thế kỷ XX. Công lao của cụ đã giác ngộ số đông quần chúng nông dân, nhất là thanh niên, đi từ chủ nghĩa yêu nước chân chính chuyển sang chủ nghĩa yêu nước có xu hướng xã hội chủ nghĩa.

H.Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn