Huyện Cao Lãnh

Phát huy các di tích lịch sử văn hóa

Cập nhật ngày: 13/06/2017 06:53:06

Nằm trong tổng thể các giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020, việc phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa (DTLSVH) cho phát triển du lịch bước đầu đạt được những tín hiệu vui, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.


Khánh thành nhà Đông Lang chùa Tổ Bửu Lâm tại xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh

Huyện Cao Lãnh hiện có 1 DTLSVH cấp Quốc gia - Khu Di tích Xẻo Quít ở xã Mỹ Long xưa kia là căn cứ kháng chiến của Tỉnh ủy Đồng Tháp) và DTLSVH cấp tỉnh (Tràm Dơi ở xã Mỹ Thọ, xưa kia là căn cứ kháng chiến của Huyện ủy Cao Lãnh; Chùa Bữu Lâm ở xã Bình Hàng Trung, ngôi chùa cổ với những câu chuyện đạo pháp đồng hành cùng dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến...).

Các DTLSVH trên là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa của tỉnh, là những chứng tích vật chất phản ánh sâu sắc về đặc trưng văn hóa, cội nguồn và truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc; các di tích đó, cả về mặt nội dung lẫn hình thức đều có khả năng tạo nên sức hấp dẫn. Tuy nhiên, việc khai thác giá trị của các DTLSVH cho phát triển du lịch nhìn chung chưa tốt, số lượng khách đến tham quan ở những nơi đây còn ít so với yêu cầu.

 Thu hút khách đến tham quan các điểm DTLSVH và khai thác các giá trị văn hóa để phát triển du lịch có liên quan chặt chẽ với nhau. Sẽ rất ít ai bỏ thời gian và công sức chỉ để ghé thăm và tìm hiểu một địa danh DTLSVH nếu không có sự kết nối tuor, tuyến du lịch hợp lý hoặc không có sự phối hợp giữa tìm hiểu giá trị văn hóa với tham quan, thưởng ngoạn. Điều này cho thấy khai thác các điểm dừng chân du lịch tại các DTLSVH phải được đặt trong tổng thể nhiệm vụ phát triển du lịch của tỉnh nhà.

Ngược lại nếu chỉ đến để đơn thuần được vui chơi, giải trí, ngắm cảnh đẹp mà không để lại trong lòng du khách những ấn tượng gì về giá trị văn hóa tinh thần cũng là một thiếu sót. Thực tế đã cho thấy, việc tìm tòi, tạo dựng sự khác biệt của các điểm đến du lịch để thu hút khách tham quan là rất quan trọng, và giá trị của các DTLSVH chính là một trong những khác biệt đó.

Việc khai thác DTLSVH phục vụ cho phát triển du lịch ở huyện Cao Lãnh đang hướng đến mục tiêu: Giữ gìn tính độc đáo, nguyên thủy của các di tích để tạo ra sức hấp dẫn; thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan báo chí và khai thác ưu thế của công nghệ thông tin để tuyên truyền, quảng bá; giáo dục truyền thống lịch sử và lòng tự hào yêu quê hương đất nước; giới thiệu cho khách du lịch trong và ngoài tỉnh về lịch sử, văn hóa, nét đẹp thiên nhiên, con người ở nơi đây; tăng thêm lợi ích kinh tế cho xã hội, cho người dân và các đơn vị kinh doanh du lịch; hạn chế thấp nhất những tác động xấu từ hoạt động du lịch đối với tài sản văn hóa. Ngoài ra, ngành du lịch có nhiệm vụ thu hút, đưa khách đến với di tích, nhưng khách có thích, có muốn quay lại thăm hay giới thiệu với bạn bè của họ còn phụ thuộc vào chính những cơ quan, tổ chức quản lý và nhân dân sở tại.

Còn lắm gian truân cho bài toán khai thác các điểm dừng chân của khách du lịch tại các DTLSVH. Nhưng quyết tâm của lãnh đạo trong việc đổi mới tư duy phát triển du lịch đang hứa hẹn một tương lai không xa, du lịch huyện Cao Lãnh gắn với khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị các DTLSVH sẽ phát triển.

CHÁNH TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn