Phát huy tiềm năng, lợi thế các ngành công nghiệp văn hóa

Cập nhật ngày: 04/01/2024 08:41:35

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240104084234dt2-8.mp3

 

ĐTO - UBND tỉnh xây dựng, triển khai Kế hoạch số 11 ngày 11/1/2017 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng.


Du khách tham quan, chụp ảnh tại Vườn sinh thái Hoàng Hảo (xã An Hòa, huyện Tam Nông) (Ảnh: Chí Cường)

Những năm qua, việc đưa tác phẩm điện ảnh đến công chúng thông qua đội chiếu phim lưu động của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân. Hàng năm, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tổ chức chiếu phim từ 60 - 80 buổi, thu hút từ 21.000 - 28.000 lượt người xem nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, tỉnh, địa phương; dàn dựng khoảng 40 chương trình nghệ thuật quần chúng, biểu diễn trên 60 buổi, phục vụ hơn 30.000 lượt người xem. Đồng thời tổ chức từ 3 - 4 cuộc biểu diễn cấp tỉnh; dàn dựng từ 2 - 3 chương trình nghệ thuật tham gia các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn cấp khu vực và toàn quốc đạt thành tích cao.

Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức các cuộc triển lãm tranh, thư pháp; phát động hội viên các chuyên ngành tích cực tham gia triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tổ chức các cuộc thi sáng tác tác phẩm nghệ thuật tuyên truyền Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp với chủ đề “Đồng Tháp - Đất sen hồng”; cuộc thi ảnh thời sự nghệ thuật chủ đề “Đồng Tháp đất nước, con người”... thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, hội viên tham gia, nhằm quảng bá con người Đồng Tháp đến với bạn bè trong, ngoài nước. Đặc biệt, về du lịch văn hóa, trong năm 2023, du lịch tỉnh đón và phục vụ khoảng 4 triệu lượt khách (tăng 13,6%), tổng thu du lịch ước đạt 1.900 tỷ đồng (tăng 14,15% so với năm 2022).

Tỉnh phát triển mô hình Chợ quê Tân Thuận Đông (TP Cao Lãnh), hoạt động định kỳ vào thứ Bảy hàng tuần; Chợ quê Gò Tháp (huyện Tháp Mười) và Chợ quê Long Thuận (huyện Hồng Ngự) tái hiện lại khung cảnh chợ xưa với các quầy hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương thu hút rất đông người dân đến tham quan, mua bán. Nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế nông nghiệp thuần túy sang phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 210 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn; Nghị quyết số 01 ngày 24/3/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026, góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của tỉnh Đồng Tháp.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 1755 ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh và triển lãm; lồng ghép các chương trình, dự án về phát triển văn hóa gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, kiến tạo và thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành (du lịch văn hóa, quảng cáo, phát thanh - truyền hình...), góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn. Quan tâm khai thác hiệu quả các lợi thế về nông nghiệp xanh, giá trị di sản văn hóa và sông Mekong để xây dựng các chương trình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch văn hóa, du lịch đường thủy kết hợp trải nghiệm làng nghề thu hút khách nội địa và quốc tế trong giai đoạn mới.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn