Qua rồi thời tự hào phim nhà nước
Cập nhật ngày: 15/03/2013 11:48:31
Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3), là dịp để nhìn lại và thêm lần nữa nhìn thẳng: thời đáng tự hào của điện ảnh nhà nước đã lui vào quá khứ, đến lúc nghĩ tới nền điện ảnh trong tương lai.
Các thế hệ nghệ sĩ tại lễ kỷ niệm
Tụ hội hai miền
Nghệ sĩ hai miền tụ hội tại Nhà hát Lớn, sáng qua 14-3, trong buổi lễ kỷ niệm long trọng và ấm cúng. Sảnh nhà hát dựng các tấm áp phích của những phim tiêu biểu cho chặng đường điện ảnh cách mạng 60 năm qua. Nghi lễ nghiêm trang, nhất là phần trao bằng khen cho 20 nhà điện ảnh lão thành của Bưng Biền và Đồi Cọ.
Xúc động - hai từ luôn xuất hiện trong những lời tâm sự của các nghệ sĩ lão thành. NSND Trà Giang, đại diện cho các nghệ sĩ lên sân khấu phát biểu, thừa nhận “nghẹn ngào, không nói nên lời” và rơm rớm nước mắt khi nhắc lại thời điện ảnh vẻ vang, trưởng thành trong bom đạn.
Tuy nhiên, như đạo diễn, NSND Đoàn Dũng thẳng thắn chia sẻ: “Xúc động lớn nhất là nhìn hình ảnh tư liệu chiếu trong buổi lễ, thấy rất nhiều người đã qua. Thế hệ lớn của chúng tôi đã qua, sắp tới là thế hệ của các bạn trẻ”.
Ngoài những gương mặt gạo cội, quen thuộc: NSND Thế Anh, Trà Giang, Chánh Tín, vợ chồng NSƯT Minh Đức-Lân Bích mới từ TPHCM ra, không nhiều gương mặt trẻ. Chánh Tín dự buổi lễ với tâm trạng “ôn lại kỷ niệm, nhìn lại hình ảnh của mình trong quá khứ và nhắc nhở các phim sắp tới”.
Nam diễn viên đình đám một thời tỏ ý thanh minh rằng đó là tai nạn nghề nghiệp, khi có phóng viên hỏi về sự xuất hiện chẳng có gì vẻ vang trong Lệnh xóa sổ.
Không dễ tìm được gương mặt trẻ, hiếm hoi có Dustin Nguyễn, Hải Yến. Muốn phỏng vấn Dustin phải chờ khá lâu, nam diễn viên bận tíu tít chụp ảnh lưu niệm với nghệ sĩ có tuổi.
Dẫu đang tất bật với dự án phim hành động, giả tưởng Lửa phật, Dustin Nguyễn bay ra Hà Nội theo lời mời của Cục Điện ảnh. Anh thừa nhận, đây là lần đầu được xem những thước phim tư liệu về điện ảnh Bưng Biền, điện ảnh Đồi Cọ- hai cái nôi điện ảnh cách mạng, đi lên trong điều kiện khó khăn: in tráng phim thủ công, không có điện. “Tâm hồn, đam mê và nỗ lực làm phim của các thế hệ đi trước khiến tôi cảm động. So sánh mới thấy bây giờ cái gì mình cũng đủ cả, càng khiến mình thêm nỗ lực làm phim”.
Cuộc chuyển mình sắp tới?
Thời gian qua, khi Cục Điện ảnh nỗ lực sớm đưa ra thông tư về đấu thầu điện ảnh, lắm người mừng, kẻ lo. Thông tư ban hành, đồng nghĩa các hãng phim nhà nước sẽ thêm khó, nếu không muốn chết hẳn phải có “cuộc chuyển mình khó khăn” như đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân nói. Lâu nay các hãng phim nhà nước hàng năm trông chờ nhà nước rót tiền làm phim, giờ phải đưa dự án phim lên bàn cân, chạy đua với các hãng phim tư nhân mạnh vốn và có sức trẻ.
“Đầu tư điện ảnh nhà nước hay tư nhân, còn liên quan đến định hướng, xem các hãng phim nhà nước từng là trụ cột điện ảnh có còn được coi trọng hay không. Cũng đến lúc các cấp quản lý nên ngồi nhìn lại, xem các hãng phim nhà nước vẫn tồn tại như hiện nay, thay đổi hoặc không cần tồn tại nữa”, đạo diễn Người đàn bà mộng du chia sẻ bên lề lễ kỷ niệm 60 năm điện ảnh cách mạng.
Anh cũng cho rằng, muốn xã hội hóa các hãng phim nhà nước phải được trang bị đầy đủ, có hệ thống rạp chiếu, tổ hợp kinh doanh phim liên đới để đảm bảo đầu ra cho phim. Thế mới thoát cảnh lúng túng, làm phim xong cứ phải đi mượn, xin rạp chiếu.
Không thể chỉ đổ lỗi cho kỹ thuật, thiếu người tài là yếu tố tiên quyết. “Về mặt con người, các hãng phim nhà nước vẫn còn quản lí được đội ngũ tương đối tốt trong vòng 5-10 năm nữa. Nhưng sau đó thì tôi hoàn toàn nghi ngờ, vì hệ thống đào tạo ngày càng dàn trải. Đáng ra phải mang hình kim tự tháp, chúng ta đang đào tạo kiểu hình chữ nhật: Đào tạo rất rộng nhưng thiếu đỉnh, nên khối chữ nhật đi rất chậm và khó khăn”, đạo diễn Thanh Vân nói.
Cùng quan điểm về vấn đề con người, đạo diễn Đoàn Dũng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sân khấu & Điện ảnh TPHCM: “Tôi tin thế hệ trẻ có tri thức hơn chúng tôi, nhiều điều kiện phát triển. Nhưng chúng ta cần có chính sách hoạch định, đào tạo cho điện ảnh, sân khấu thời gian tới. 60 năm nay chúng ta mới chỉ đào tạo làm nghề, chưa hề đào tạo về làm thầy. Làm nghề cần, nhưng khác hoàn toàn với làm nghề, có thầy giỏi mới có trò giỏi”.
Nguồn: Toan Toan-TPO