Quản lý, xử lý các hoạt động ca hát sử dụng âm thanh công suất lớn

Cập nhật ngày: 28/07/2017 10:42:31

ĐTO - Những năm qua, các hình thức giải trí qua hệ thống âm thanh công suất lớn và các hình thức sử dụng các thiết bị âm thanh khác cơ động, gọn nhẹ, tiện sử dụng tạo ra hiệu ứng phong trào trong việc sử dụng âm thanh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, liên quan, đám tiệc...

Ca hát là nhu cầu giải trí lành mạnh, chính đáng và cần thiết trong đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh dịch vụ cho thuê âm thanh đã gây bức xúc trong nhân dân như: dùng loa phóng thanh công suất lớn gây tiếng ồn làm mất trật tự, ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân, là thực trạng mà ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL) đã và đang đề xuất quản lý, chấn chỉnh.

Hiện nay, theo báo cáo của 12 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh có gần 900 cá nhân kinh doanh dịch vụ cho thuê âm thanh, trong đó có gần 300 cá nhân vừa kinh doanh dịch vụ cho thuê âm thanh vừa trang bị dàn karaoke lưu động; chưa kể các dàn âm thanh của những người bán kẹo kéo, bán bánh lưu động...

Trước tình hình trên, Sở VH,TT&DL đã tích cực tham mưu UBND tỉnh, phối hợp các ngành hữu quan triển khai các giải pháp quản lý, chấn chỉnh đạt một số kết quả.

Sở đã chủ trì, phối hợp các ngành chức năng có liên quan, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hội nghị để thảo luận thống nhất biện pháp chấn chỉnh, xử lý tình trạng hát karaoke, nhạc sống sử dụng âm thanh công suất lớn mỗi khi các hộ gia đình có đám tiệc,...

Sau hội nghị từ năm 2016 đến nay, Sở VH,TT&DL đã ban hành 3 văn bản chấn chỉnh, quản lý (Công văn số 888/SVHTTDL-NVVH ngày 29/8/2016 về việc chấn chỉnh tình trạng hát karaoke, nhạc sống âm thanh có công suất lớn; Công văn số 978/SVHTTDL-TTr ngày 21/9/2016 về việc báo cáo tiến độ chấn chỉnh hát karaoke, nhạc sống công suất lớn...); tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ sử dụng âm thanh có công suất lớn gây bức xúc cho người xung quanh và nơi công cộng. Từ đó, góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh.

Do lĩnh vực mới phát sinh, phát triển liên quan nhiều cơ quan chức năng, các văn bản quản lý nhà nước lĩnh vực này còn nhiều bất cập trong công tác quản lý và xử lý vi phạm (hoạt động văn hóa, văn nghệ là loại hình giải trí được điều chỉnh quản lý của ngành VH,TT&DL, xử lý về nội dung, hình thức, xử lý bức xúc hiện nay là vấn đề độ ồn âm thanh thì lại do ngành tài nguyên và môi trường xử lý vi phạm...).

Từ thực tế trên và qua chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH,TT&DL phối hợp các ngành hữu quan triển khai lấy ý kiến trong công tác quản lý, chấn chỉnh, xử lý vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nội dung hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa theo quy định pháp luật; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh theo hướng tinh gọn và chú trọng đưa nội dung quản lý các hoạt động văn hóa, văn nghệ sử dụng âm thanh công suất lớn trong phân công nhiệm vụ của các ngành thành viên.

Ngành chức năng cũng lồng ghép nội dung xây dựng mẫu quy ước đồng thuận về việc sử dụng dàn âm thanh tổ chức sinh hoạt văn nghệ trong khu dân cư và trong các đám tiệc; chấp hành tốt các quy chuẩn về tiếng ồn trong việc cưới, tang, lễ hội, sinh hoạt văn nghệ vào kế hoạch nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh; đưa tiêu chí: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, kinh doanh dịch vụ văn hóa nơi công cộng, trong các đám tiệc, karaoke lưu động, bán kẹo kéo... không được sử dụng âm thanh công suất lớn vi phạm về độ ồn gây bức xúc trong nhân dân vào bảng chấm điểm bình xét các danh hiệu văn hóa như: gia đình văn hóa; ấp - xã văn hóa nông thôn mới; khóm - phường, thị trấn văn minh đô thị; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.

Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan có kế hoạch thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định hiện hành; tổ chức tập huấn, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ quan trắc kỹ thuật tài nguyên và môi trường để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Công an tỉnh phối hợp các ngành có liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa theo thẩm quyền.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các thành viên tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; chú trọng nội dung thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và sử dụng âm thanh công suất lớn trong sinh hoạt văn nghệ trong công tác phúc tra, đề xuất công nhận các đơn vị đạt danh hiệu khóm, ấp văn hóa, không công nhận đối với các đơn vị để xảy ra các hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, tham mưu xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa theo quy định pháp luật; chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền...

TN 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn