Sao ca nhạc: Vàng thau lẫn lộn!
Cập nhật ngày: 18/11/2012 14:27:32
“Bây giờ ai cũng có thể làm ca sĩ” - câu cảm thán này đã trở thành câu nói cửa miệng của nhiều người, từ những nhà lý luận phê bình âm nhạc, người trong giới làm nghệ thuật đến công chúng bình dân. Hiện tượng một số bạn trẻ có ngoại hình tham gia các cuộc thi tìm kiếm giọng hát trên truyền hình, cuộc thi ca hát các cấp, rồi tung ra album và bỗng dưng trở thành ca sĩ “ngôi sao” ngày càng nhiều, tràn ngập trong hoạt động tất bật của thị trường âm nhạc thành phố và cả nước.
Ca sĩ trẻ muốn tìm được chỗ đứng trong nghề và trong lòng khán giả
không phải là chuyện dễ dàng
Bát nháo thị trường!
Đã qua rồi cái thời khi nhắc đến một ngôi sao ca nhạc, khán giả luôn bày tỏ niềm tin yêu và sự mến mộ sâu sắc. Ngày ấy, danh hiệu “ngôi sao” là sự vinh danh, tình cảm trân trọng của khán giả dành cho những nghệ sĩ đã thành danh, lừng lẫy tên tuổi, được công chúng cả nước biết đến, quý mến, đồng thời để khẳng định tài năng và tư cách cao quý của người nghệ sĩ chân chính - hội đủ các yếu tố cần thiết về bản lĩnh chính trị, quan điểm thẩm mỹ, kiến thức văn hóa - lịch sử - xã hội và tinh thần học hỏi, trau dồi nghề nghiệp không ngừng nghỉ. Nhưng bây giờ, đi khắp các tỉnh thành, ở đâu có tổ chức chương trình ca nhạc đều thấy quảng cáo “những ngôi sao” trẻ, đang lên… nhưng thực chất chỉ làm cho công chúng cảm thấy danh hiệu “ngôi sao ca nhạc” bị bình dân hóa, kém chất và mất dần ý nghĩa.
Sao cũ - mới, sao thật - giả đan xen lẫn lộn, ít nhiều khiến thị trường âm nhạc trở nên hỗn loạn, bát nháo. Có quá nhiều giọng hát trẻ xuất hiện, phơi bày những lỗ hổng về chất lượng giọng hát (hát không rõ lời, không đủ hơi…). Quan điểm thẩm mỹ của nhiều người mới theo nghề ca hát thường bị cuốn theo những trào lưu thời trang, đầu tóc, trường phái trang điểm, phong cách biểu diễn rặt chất ngoại lai - lạ - quái, khiến họ lệch lạc về vẻ đẹp, về văn hóa. Chưa kể, cách thức hành nghề còn non kém, phải dùng chiêu để gây sốt dư luận như: “bật mí” đời tư, trang phục luôn thiếu trên hở dưới, ca sĩ trẻ mới vào nghề được vài năm đã đứng ra làm “bầu” cho các nhóm nhạc mới cũng dồn dập xuất hiện rồi trở thành trào lưu… Hậu quả cuối cùng là trong đời sống văn hóa nghệ thuật hiện nay đang có không ít bạn trẻ tự mình chìm ngập trong hào quang ảo.
Giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần từng bày tỏ nỗi lo lắng về một thế hệ những giọng hát mới không biết đọc nốt nhạc. Trình độ văn hóa thẩm mỹ, kiến thức cần thiết của một người làm nghệ thuật cũng chưa được đầu tư trang bị chu đáo trước khi dấn thân vào nghề ca hát.
Những năm gần đây, khi các chương trình âm nhạc truyền hình thực tế xuất hiện, nhiều gương mặt mới toanh lại được dư luận, báo mạng tung hê thái quá khiến các em cứ đinh ninh “mình là sao” như thời điểm chương trình truyền hình The Voice chưa kịp kết thúc thì những gương mặt thí sinh mới toanh tham gia sân chơi này đã tự hào chia sẻ rằng mình nhận nhiều show đi hát với cát-xê cao ngất ngưởng.
Nguy cơ thụt lùi?
Lĩnh vực sáng tác nhạc Việt luôn có mối quan hệ tương quan với những giọng hát. Nhưng, với nhiều giọng hát mới yếu kém, ham mau có danh vọng, thì những người sáng tác trẻ buộc phải lao vào con đường tạo ra tác phẩm non chất để phù hợp với những giọng hát mới. Kết quả sau cùng là con đường phát triển của nhạc Việt sẽ dần tiến vào lối cụt.
NSƯT Tạ Minh Tâm, Trưởng khoa thanh nhạc Nhạc viện TPHCM từng chia sẻ bức xúc trước tình hình hoạt động và cách thức tôn vinh bát nháo những gương mặt trẻ trên thị trường âm nhạc hiện nay rằng: “Để có đầy đủ kiến thức và năng lực của một người nghệ sĩ - ca sĩ thực sự, các em học sinh - sinh viên Nhạc viện TPHCM phải đầu tư thời gian, tiền của để học những mười mấy năm mới có thể ra nghề. Nhưng hiện nay, thị trường âm nhạc có một số bạn trẻ do may mắn, có năng khiếu tốt đã vượt lên như một “ngôi sao sáng chói” và dường như họ cũng muốn chứng minh rằng không cần có sự đào tạo đàng hoàng cũng có thể thành công và họ đang trở thành gương xấu cho giới trẻ. Bên cạnh đó, vô tình các báo, đài cũng góp phần cổ xúy, tiếp tay cho những gương mặt mới này, làm cho công tác đào tạo nền nghệ thuật cơ bản âm nhạc chính quy càng thêm khó khăn. Nếu cứ để tình trạng này tồn tại thì văn hóa nghệ thuật nước nhà sẽ phải trả giá lâu dài”.
Trách nhiệm này thuộc về cơ quan văn hóa có thẩm quyền điều chỉnh, đào tạo, định hướng âm nhạc, thẩm mỹ. Thị trường âm nhạc đang rất cần cây đũa chỉ huy và điều chỉnh của các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật để có những biện pháp mạnh mẽ và hợp lý trước nguy cơ nhạc Việt đi thụt lùi.
ĐH (Theo Thúy Bình-SGGPO)