Sinh hoạt đờn ca tài tử - nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm

Cập nhật ngày: 15/01/2014 06:29:50

Cao Lãnh là một trong những đơn vị có phong trào đờn ca tài tử phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn huyện có 103 Câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử (ĐCTT), trong đó có 18 CLB của xã sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần, còn lại là các CLB ở ấp sinh hoạt không đều, chủ yếu hoạt động mạnh vào mùa khô. Dù nhiều CLB hoạt động chưa đều nhưng đó là sân chơi lành mạnh cho bà con sau những ngày làm việc mệt nhọc, giúp tình làng nghĩa xóm ở địa phương ngày thêm gắn kết.


Đêm sinh hoạt định của Câu lạc bộ đờn ca tài tử ấp 1, xã Mỹ Long

Theo Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH - TT) huyện Cao Lãnh: Mỹ Thọ, Bình Hàng Tây, Mỹ Long là 3 xã có phong trào ĐCTT phát triển mạnh trên địa bàn. Phong trào ĐCTT ở đây ngày càng sôi động và lan rộng từ đám tiệc ở tư gia đến các tụ điểm sinh hoạt văn hóa. Ngoài các thành viên trong CLB, những người dân nơi đây không chỉ thưởng thức ĐCTT ở góc độ khán giả mà họ còn thích thú hòa nhập vào cuộc chơi, dù chỉ biết vài câu vọng cổ, vài bài tài tử thông thường.

Anh Lê Văn Sáu - cán bộ phụ trách văn hóa xã hội xã Mỹ Long cho biết: “Hiện xã có 3 CLB ĐCTT sinh hoạt định kỳ hàng tháng: ấp 1 vào mùng 3; ấp 3 vào ngày rằm; ấp 4 vào ngày 13 âm lịch với tổng thành viên 50 người. Tuy các CLB chỉ có vài loại nhạc cụ như ghi ta phím lõm, đàn sến,... nhưng số lượng bài bản mà các anh chị trình bày khá phong phú, đa dạng bao gồm: Tây thi, Xuân tình, Tứ đại oán... nhiều nhất là các bài vọng cổ. Các đêm tổ chức thường giới hạn trong khoảng thời gian từ 19 - 22 giờ, không kéo dài lê thê nhằm đảm bảo giờ giấc nghỉ ngơi của bà con chung quanh”.

Thông qua các buổi sinh hoạt với những bài ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu,... các CLB đã góp phần tuyên truyền trong hội viên, nhân dân các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn ấp, xã. Không những vậy, những buổi sinh hoạt còn là sân chơi lành mạnh để bà con vui chơi, giải trí sau những giờ làm việc mệt nhọc, đặc biệt đến đây bà con có thể thăm hỏi nhau, trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất từ đó tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết thân thiết.

Với những giá trị mà nghệ thuật này mang lại, ông Ngô Hoàng Phúc - Giám đốc Trung tâm VH - TT huyện cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ xin tăng cường xã hội hóa, đầu tư trang thiết bị để các CLB có điều kiện duy trì sinh hoạt mỗi tháng 1 lần, tổ chức các hội thi ĐCTT để các CLB trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, thường xuyên tổ chức hội thi Tiếng hát phát thanh, sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật để góp phần làm phong phú thêm những sáng tác ở bộ môn nghệ thuật này, đồng thời kịp thời phát hiện bồi dưỡng những tài năng mới, trẻ”.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn