Thị xã Sa Đéc

Tăng cường quản lý, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa

Cập nhật ngày: 05/06/2013 04:59:14

Sa Đéc với lịch sử gần 300 năm hình thành và phát triển, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn mang đậm dấu ấn thời gian của các sự kiện lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, văn hóa tín ngưỡng. Trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích này ngày càng được quan tâm, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Chùa Ông Quách - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia
Ảnh: Thiện Thanh

Hiện nay thị xã Sa Đéc có 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia và 10 di tích cấp tỉnh với đa dạng các loại hình như di tích lịch sử cách mạng, kiến trúc, tín ngưỡng và dân dụng. Trong đó, 2 di tích cấp Quốc gia là Chùa Kiến An Cung (còn gọi là chùa Ông Quách) và Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, mỗi tháng thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan.

Nhằm phát huy giá trị các di tích, trong thời gian qua, thị xã Sa Đéc đã tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến Luật Di sản Văn hóa và các văn bản của Nhà nước về việc bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa đến các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong toàn xã hội về bảo vệ di tích. Các hoạt động về nguồn, sinh hoạt chính trị, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; việc xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” cũng đã được tổ chức tại các di tích.

Ông Nguyễn Nhất Thống - Trưởng Ban Tuyên giáo, Chủ tịch Hội Sử học thị xã Sa Đéc nhận định: Tôn tạo các di tích lịch sử chính là tôn trọng quá khứ, trân trọng tiền nhân, tôn vinh những người có công khai mở vùng đất này. Hơn lúc nào hết, việc trân trọng, giữ gìn, phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn còn là một trong những nội dung thực hiện theo Nghị quyết TW 5 khóa VIII - đó là xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.”

Từ nhiều nguồn vốn: ngân sách tỉnh, thị xã, vốn chương trình mục tiêu quốc gia và vốn xã hội hóa từ nhân dân, công tác trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích như Chùa Kiến An Cung, Xóm Rẫy Cụ Hồ, Bia Chi đội hải ngoại Trần Phú, Tượng đài anh hùng Phan Văn Út, Tòa Hành chánh Sa Đéc cũng đã được thực hiện thường xuyên từ năm 2004 đến nay với tổng kinh phí trên 8 tỉ đồng. Công tác quản lý, giữ vệ sinh và mỹ quan di tích được đặc biệt chú trọng, nhiều đợt làm vệ sinh, và tu bổ, tôn tạo di tích đã được đông đảo quần chúng hưởng ứng.

Việc tôn tạo, giữ gìn, bảo tồn để phát huy giá trị của các di tích là việc làm cần được thiết không chỉ của ngành chức năng, mà rất cần sự ý thức và chung tay của cả cộng đồng.

Trúc Nguyên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn