Tập thơ về Hoa sen thứ ba của nhà thơ Hữu Nhân

Cập nhật ngày: 08/03/2022 05:13:58

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220308053729HN8-3-2022.mp3

 

ĐTO - Đó là tập thơ “Thành phố - những mùa sen”, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2021.

Đến lúc này, tôi dám cả quyết, nhà thơ Hữu Nhân là người làm thơ về hoa sen nhiều nhất ở Đồng Tháp và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nếu không muốn nói là cả Việt Nam. Chưa có một người làm thơ nào xuất bản liên tục 3 tập thơ về hoa sen chỉ trong vòng hơn 3 năm như nhà thơ Hữu Nhân! Đó là các tập thơ: “Tôi, em & sen” (tháng 10/2018); “Sau những mùa sen” (tháng 5/2019); “Thành phố -  những mùa sen” (tháng 11/2021). Quả thật, đây là một kỷ lục độc đáo, vô tiền khoáng hậu.

Trong bài viết ngắn này, xin giới thiệu đôi chút về tập thơ mới nhất trong 3 tập thơ nói trên. Nếu trong “Tôi, em & sen”, nhà thơ Hữu Nhân chọn toàn thể lục bát thì ở 2 tập tiếp sau (“Sau những mùa sen”; “Thành phố - những mùa sen”), các bài thơ theo thể tự do đã xuất hiện, như là cách thể hiện một trong những sở trường của anh. Tuy vậy, trong thơ Hữu Nhân, có lẽ với đề tài hoa sen, thể thơ lục bát sẽ tương thích và phù hợp hơn chăng, mà khi đọc, độc giả bị ám ảnh và cuốn hút mãnh liệt?

Trong “Thành phố - những mùa sen” (khá tiếc, khi ở bìa sách, cái dấu gạch ngang trong tên gọi này đã không xuất hiện!), chỉ có 8/49 bài thơ thuộc thể tự do, chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với thể thơ lục bát. Tuy nhiên, đó là những bài thơ khá ấn tượng, không chỉ về cách diễn đạt mà hơn thế, ở phương diện cấu tứ và những phát hiện. Nếu trong “Duyên cùng Cao Lãnh”, tác giả nghiệm ra cái giá của hạnh phúc qua hình ảnh mùa sen non: “em tin gì sau những mùa sen non/hạnh phúc nào không đổi bằng đau đớn” và trong “Sen quê” là cảm nhận sâu sắc về sự hy sinh, dâng hiến tình yêu: “Ta hứng mình ta giông tố/Cho em non nõn nụ tình/Để có một ngày sen nở/Chở về trọn vẹn lòng tin” thì trong “Thưa ba, con đã về”, nhà thơ chia sẻ những trải nghiệm và khí quyển tịnh tâm mỗi khi được trở về chính góc quê, nơi chôn rau cắt rốn: “thưa ba, con đã về/mảnh vườn không còn chỉ là mảnh vườn/nơi những khát khao tìm về gặp nhau/nơi những mơ ước nảy mầm/nơi những ý tưởng bắt đầu sinh sôi” và trong “Gìn mãi chân tình” cũng là một chiêm nghiệm quyện chặt những ký thác thiêng liêng: “những giò hoa cuối cùng rồi cũng phải đi thôi/chỉ tại lòng ta rối bời níu kéo/mùa đã hết tình vẫn còn muộn bẹo/dặn lòng nhau gìn mãi những chân tình”.

Đa phần những bài thơ lục bát trong “Thành phố - những mùa hoa” đều ngắn, vốn như phong cách lục bát của Hữu Nhân ở mảng thơ viết về hoa sen. Dài nhất là bài “Đất sen” cũng chỉ với 18 dòng, cùng vài bài 16 dòng (4 hoặc 8 khổ). Còn lại là ngắn hoặc rất ngắn. Có 4 bài thơ chỉ có 6 dòng (“Lửa sen”; “Lối sen”; “Phía không sen”; “Non bộ sen”). Viết ngắn không dễ. Ngắn mà rõ tứ, cô đúc từ ngữ, giàu khơi gợi đó đích thực là phẩm chất tối thượng của văn chương nói chung, thi ca nói riêng. Điều người ta thường nói là “ý tại ngôn ngoại” không gì sát đúng hơn ở những tác phẩm văn chương hàm súc, cô đọng, ít lời nhiều nghĩa.

Về mảng thơ lục bát trong “Thành phố - những mùa sen”, xin chọn giới thiệu minh họa bằng mấy bài lục bát ngắn nhất (6 dòng) nói trên. Với Hữu Nhân, hoa sen bao giờ cũng ánh lên những vẻ đẹp đa chiều, càng nhìn càng phát hiện thêm những khía cạnh, những phẩm chất mới đầy ấn tượng, ám ảnh. Trong văn chương, như một mặc định, xưa nay, người ta thường coi hoa lựu là loài hoa đỏ như lửa, đặc tả ngọn lửa (“Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông” - “Truyện Kiều”, Nguyễn Du). Với nhà thơ Hữu Nhân, dường như đã có sự bổ sung bằng một cách nhìn mới: “ta nằm và ngắm sen thôi/tận cùng nụ cháy lửa ngời ngời yêu” (“Lửa sen”). Hoa sen không chỉ là biểu tượng ngọn lửa tình yêu, trong lục bát Hữu Nhân, loài hoa này còn là sự che chở, là hình ảnh biểu trưng của thủy chung, của sự gắn bó bền chặt trong tình yêu: “mình nợ nhau bởi hẹn thề/mình keo sơn bởi lối về rợp sen” (“Lối sen”). Nếu trong “Phía không sen”, tác giả diễn tả một cảm giác có thực về sự thiếu hụt, mất mát, hư thực khi người xa người, anh xa em: “mai em về biết gì hơn/sắc sen ta cứ chập chờn tỉnh mê” thì trong “Non bộ sen”, lại một lần ví hoa sen như ngọn lửa - ngọn đèn, nhà thơ lại diễn tả một cách giàu hình tượng về trạng thái hy vọng, mong chờ trong tình yêu của con người trước sự vô tình của thời gian: “dẫu cho tàn bấc lửa gầy/rót dầu hy vọng cho đầy đặn chong”.

Điều cần nói thêm khi giới thiệu tập thơ này của Hữu Nhân là, đúng như tên tập thơ “Thành phố - những mùa sen”, tác giả đã dành cho TP Cao Lãnh nhiều bài thơ tâm đắc. Chỉ nêu tên các bài thơ thôi, cũng đã thấy rõ điều này: “Mình về Cao Lãnh”; “Phố Sen”; “Duyên cùng Cao Lãnh”; “Ta còn Cao Lãnh và em”; “Bên cầu Cao Lãnh”; “Cao Lãnh yêu”... Tuy nhiên, hình như, tác giả cảm thấy có chút áy náy chăng, mà trong tập thơ, một thành phố khác của Đồng Tháp - TP Sa Đéc cũng đã xuất hiện bằng những vần điệu “đắm đuối”, “ngẩn ngơ” ( “Sa Đéc hoa”; “Về Sa Đéc”...).

Hay nói một cách xác đáng hơn, đây không là tập thơ với những bài thơ chỉ viết về các “thành phố - những mùa sen” như cái tên mang tính khơi gợi của nó, mà rộng hơn, khái quát hơn, từ một, hai thành phố quê hương, nhà thơ Hữu Nhân muốn nói đến, ca ngợi, tôn vinh cả miền Đất Sen hồng. Ý nghĩa nhân văn của tập thơ này, chắc chắn hiển hiện ở đó. Đây là một ý tưởng và chủ đề xuyên suốt của nhà thơ Hữu Nhân trong không chỉ thơ mà còn ở các thể loại văn học - nghệ thuật khác. Ca ngợi, tôn vinh vẻ đẹp cao cả, thiêng liêng của hoa sen, chính là ca ngợi, tôn vinh quê hương mình. Nói về hoa sen, chính là nói về đất và người Đồng Tháp.

Phẩm chất khái quát hóa của văn chương, thi phú là ở đó. Nhà thơ Hữu Nhân đã làm được, làm tốt điều này qua những tập thơ về hoa sen của mình.

THAI SẮC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn