Tập trung khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở

Cập nhật ngày: 24/02/2022 09:40:36

ĐTO - Các thiết chế văn hóa cơ sở là nơi tổ chức phong trào văn hóa và thể dục, thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương; là 1 trong 19 tiêu chí để được công nhận là nông thôn mới, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


Xây dựng, cải tạo Nhà Văn hóa ấp K12, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông

Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm, đặc biệt là Nhà Văn hóa ấp được bố trí là nơi hoạt động của Ban nhân dân ấp, tổ chức sinh hoạt đảng viên nơi cư trú, sinh hoạt các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử, Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, sinh hoạt của Tổ Nhân dân tự quản; tổ chức hòa giải, tuyên truyền pháp luật, mở các lớp dạy nghề nông thôn, họp bình xét gia đình văn hóa. Một số nhà văn hóa ấp tổ chức cho thuê sân bãi làm khu trò chơi thiếu nhi, kinh phí thu được mặc dù còn hạn chế nhưng cũng cơ bản trang trải chi phí phục vụ cho hoạt động.

Đáng ghi nhận là các Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã, Nhà Văn hóa ấp, liên ấp trên địa bàn tỉnh đã vận dụng linh hoạt những quy chuẩn, quy chế về tổ chức và hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào điều kiện thực tế ở từng địa phương, phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư để tổ chức hoạt động. Các sân bãi thể thao phát huy tốt hiệu quả đáp ứng được nhu cầu tập luyện thể thao, rèn luyện thân thể, vui chơi, giải trí và hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trung bình mỗi năm có khoảng 70 đoàn nghệ thuật ngoài tỉnh về biểu diễn phục vụ Nhân dân ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Hàng năm tổ chức từ 4 - 6 hội thi liên hoan cấp tỉnh, khoảng 80 cuộc cấp huyện; tham dự nhiều hội thi, liên hoan cấp khu vực và toàn quốc đạt kết quả đáng phấn khởi. Một số địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh như: TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc, huyện Châu Thành, TP Hồng Ngự, huyện Cao Lãnh... Các địa phương đều quan tâm triển khai thực hiện Bộ nhận diện hình ảnh Đồng Tháp ứng dụng phổ biến trong việc trang trí, khánh tiết tại các sự kiện, lễ hội, hội nghị, hội thảo, bảng hiệu, băng rôn, khẩu hiệu, mở lớp sáng tác... để tạo dựng hình ảnh tỉnh.

Cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở trong những năm qua tuy được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu đồng bộ cũng như kinh phí cho hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, vì thế chất lượng của các phong trào đạt chưa cao như mong muốn. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, để nâng cao hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn, ngành sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa cơ sở trong bối cảnh và yêu cầu hiện nay, nhất là mô hình Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng cấp xã - nơi góp phần để dân trí được mở mang, dân quyền được đảm bảo, dân sinh được nâng cao, dân nghiệp được vững chắc, dân tình được ổn định. Từ đó, cấp ủy chính quyền, thủ trưởng ban, ngành, đoàn thể ở địa phương chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động đạt hiệu quả cao.

Đa dạng hóa nội dung, chương trình, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng, chủ động nắm bắt, khai thác những nguồn lực tri thức khác nhau để đáp ứng nhu cầu người dân. Do đối tượng học tập ở Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng rất đa dạng, nên hình thức dạy học ở các Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng cũng phải linh hoạt, phù hợp với đặc điểm đối tượng và tình hình kinh tế - văn hóa của địa phương.

Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa, đặc biệt đối với nhà văn hóa ấp, các trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện, xã nhằm khắc phục một thực tế hiện nay là phần lớn các Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng triển khai các hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn lực tại chỗ, chưa có sự phối hợp với các lực lượng xã hội để cùng chăm lo cho hoạt động của các Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng trên địa bàn.

NGỌC TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn