“Thổi hồn” vào gỗ

Cập nhật ngày: 08/02/2022 10:02:53

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220208084635mobifone_audio_1644327904201.mp3

ĐTO - Những ngày giáp Tết, chúng tôi có dịp đến tìm hiểu về nghề điêu khắc gỗ và cảm nhận những thanh âm đục đẽo, không khí nhộn nhịp khi các nghệ nhân tất bật làm ra sản phẩm để kịp giao cho khách hàng mang về bày trí đúng dịp Xuân đến. Nhiều nghệ nhân cho rằng, nghề điêu khắc gỗ khó nhất là “thổi hồn” vào nền gỗ xù xì, vô tri để tạo ra giá trị nghệ thuật.

Gian truân với nghề

Ngày nay, nghề điêu khắc gỗ ngày càng phát triển mạnh và được đánh giá là nghề có triển vọng phát triển vươn xa. Tuy nhiên, điêu khắc là nghề khó đeo đuổi để thành công, bởi trước hết người đó phải có niềm đam mê và kiên trì học tập. Nhiều người tỏ ra hứng thú, đam mê điêu khắc nên đi khắp nơi tìm người giỏi để “tầm sư học đạo” nhưng được một thời gian ngắn thì lại chán nản, nghỉ giữa chừng.

Nghệ nhân Phạm Hoài Duy (44 tuổi, ngụ ấp An Ninh, xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò) cho biết: “Tôi từng đào tạo 3 học trò nhưng đều học dang dở. Nghề điêu khắc gỗ không phải ai cũng học được, đòi hỏi phải có lòng đam mê, nhẫn nại đeo đuổi thì mới thành công”. Anh Duy lý giải thêm, ban đầu người mới học nghề tỏ ra thích thú với công việc, học được một thời gian ngắn thì cảm thấy suốt ngày nghe tiếng đục đẽo riết rồi chán chường và bỏ học.


Nghệ nhân phải có trí tưởng tượng bay bổng và đôi bàn tay khéo léo

Để thành công như ngày hôm nay, anh Duy đã mất 3 năm đeo đuổi học nghề điêu khắc gỗ ở Sài Gòn. Thành thạo nghề, anh đầu tư vài chục triệu đồng cho việc mua sắm đồ nghề và mở cơ sở điêu khắc để nhận làm gia công cho khách hàng. Lúc rảnh rỗi, anh tìm mua những gốc gỗ tưởng chừng như chỉ vứt đi, mang về bỏ công khắc lên những hình dáng độc đáo, có giá trị nghệ thuật, bán cho khách hàng từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.

Trước yêu cầu của khách hàng đòi hỏi ngày càng cao ở tác phẩm điêu khắc phải có hình dáng đẹp, đường nét sắc sảo, mang phong thủy, chứa đựng giá trị tâm linh, các nghệ nhân phải luôn nâng cao tay nghề, cách tân sáng tạo và thường xuyên lên mạng internet sưu tầm, cập nhật hình ảnh “độc, lạ” nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.


Nghệ nhân Phạm Hoài Duy điêu khắc tác phẩm “Cửu Long chín rồng”

Đeo đuổi nghề điêu khắc gỗ không phải một sớm một chiều sẽ thành công mà cần cả một quá trình nỗ lực của bản thân mỗi người. Trong điêu khắc gỗ, khắc tượng là khó nhất bởi phải có nét giống người thật, có thần thái, sống động. Muốn đạt đến đỉnh cao như vậy, nghệ nhân phải có nhiệt huyết, đam mê, dấn thân với nghề. Nghệ nhân Phạm Hoài Duy chia sẻ thêm: “Khi khách hàng mang gốc gỗ đến cơ sở, nghệ nhân phải biết định hình ra tác phẩm và báo giá tiền công. Tôi nghĩ, muốn trở thành nghệ nhân có tay nghề giỏi, quan trọng nhất phải chú tâm vào nghề để sản phẩm đạt giá trị nghệ thuật”.

Vẻ đẹp tinh xảo

Các sản phẩm điêu khắc phải đạt đến tính thẩm mỹ cao và thể hiện được những đường nét tỉ mỉ, chi tiết trên từng bộ phận. Điển hình như 2 tác phẩm điêu khắc nức tiếng của nghệ nhân Lê Trí Liên (54 tuổi, ngụ phường An Thạnh, TP Hồng Ngự) được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Trống đồng Đông Sơn và chín đầu rồng”, “Hoa sen và 12 con giáp”. 2 tác phẩm này được khắc trên gốc gỗ dầu hơn 100 năm tuổi, đã đạt đến vẻ đẹp tinh xảo và được trưng bày trong Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (Phường 4, TP Cao Lãnh) để du khách khắp nơi đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo.

Cuộc sống ngày nay, nhiều người trong xã hội có xu hướng sở hữu sản phẩm điêu khắc mang giá trị “độc, lạ” làm trang trí nội thất hoặc bày trí tại cơ sở kinh doanh với mục đích tạo phong thủy, giá trị tâm linh. Ví như gốc gỗ xà cừ được nghệ nhân Phạm Hoài Duy “hô biến” thành tác phẩm “Cửu Long chín rồng” trong thời gian 3 tháng với giá tiền công vài chục triệu đồng. Anh Duy cho biết, ý nghĩa con số 9 mang phong thủy may mắn; rồng tượng trưng cho sự giàu có, hưng thịnh, quyền uy; 9 đầu rồng tượng trưng cho 9 nhánh sông Cửu Long.


Nghệ nhân Phạm Ngọc Thanh tỉ mẩn tạo ra nhiều tác phẩm điêu khắc

Theo các nghệ nhân, tác phẩm điêu khắc được xem thành công là phải đẹp, có hồn, thể hiện được phong thủy mà người khác khi nhìn vào, chạm tay vào cảm thấy mê hoặc. Nghệ nhân Phạm Ngọc Thanh (44 tuổi, ngụ Phường 1, TP Sa Đéc) đến với nghề điêu khắc gỗ hơn 10 năm, đã sáng tác trên 1.000 tác phẩm, được khách hàng biết đến bởi đôi bàn tay khéo léo chạm trổ ra những đường nét, hoa văn, họa tiết cầu kỳ đạt đến độ tinh xảo. Theo nghệ nhân Thanh, muốn tác phẩm đạt đến độ tinh xảo thì nghệ nhân phải có đôi bàn tay tài hoa, khéo léo và một tâm hồn nghệ sĩ. Mỗi tác phẩm phải mất nhiều tháng miệt mài đục đẽo, tỉ mỉ chạm khắc mới thành công. Mỗi đường nét chạm trổ phải được khắc tinh xảo mang giá trị tâm linh và phong thủy ẩn chứa trong từng tác phẩm.


Tác phẩm “Trống đồng Đông Sơn và chín đầu rồng” được xác lập kỷ lục

Say sưa ngắm nhìn đôi bàn tay khéo léo, chút chai sần, thô kệch tỉ mẩn làm việc cùng với trí tưởng tượng bay bổng của các nghệ nhân, để từ đó những hoa văn, đường nét uyển chuyển, sống động trên nền gỗ vô tri lần lượt hiện ra... Chúng tôi cảm nhận, dường như nghệ nhân đã “thổi hồn” vào gỗ...

Dương Út

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn