Tín ngưỡng thờ cọp
Cập nhật ngày: 01/02/2022 10:33:29
ĐTO - Hiện nay, nhiều đình, miễu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, người dân bảo lưu tín ngưỡng thờ cọp (Ông Hổ). Tại các miễu thờ cọp, vào những ngày đầu Xuân, bà con các nơi đến cúng viếng để cầu được khỏe mạnh, bình an, làm ăn phát tài, sản xuất thuận lợi...
Miễu Ông Hổ ở ấp AB, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh
1. Trải qua quá trình hơn 300 năm phát triển vùng đất Đồng Tháp, cùng với sự biến đổi sâu sắc của xã hội, miễu, đình thờ cọp ở vùng Đất Sen hồng vẫn tồn tại theo dòng chảy của thời gian, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng dân gian. Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa về vùng Đồng Tháp Mười đã có nhiều nghiên cứu, tìm hiểu để đưa ra các giả thuyết về tín ngưỡng thờ cọp.
Các giả thuyết cho thấy, ở vùng Đồng Tháp Mười, trong đó có Đồng Tháp, thuở hoang sơ với những đồng cỏ bao la, cây cối mọc um tùm nên cọp thường tìm đến trú ẩn. Vùng này, còn là nơi có nguồn động vật vô cùng dồi dào nên cọp tìm đến săn mồi. Khi con người tiến hành công cuộc khẩn hoang, lập làng, thường xuyên phải đối mặt với nạn cọp. Đến mùa nước nổi, cọp không thể sống nơi vùng trũng được nên tìm đến nơi gò cao để trú ẩn. Vào mùa nước nổi, việc săn mồi cũng khó khăn nên cọp mò ra xóm làng để kiếm ăn. Có khi, cọp vô nhà dân bắt heo để ăn thịt. Để chống chọi lại với nạn cọp, người dân cất nhà sàn và sinh sống tập trung thành cụm xóm ấp để cùng nhau hiệp sức chống lại khi cọp tấn công.
Lý giải về tín ngưỡng thờ cọp, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Thuận - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Để có thể yên ổn làm ăn, một mặt con người lo săn giết cọp để chúng không còn gây hại tới cuộc sống con người. Mặt khác, lại phải thờ cúng cọp và coi đó như là một hành động nhằm xoa dịu sự tức giận của chúng khi bị người giết hại. Cọp được thờ tại các đình, miễu với tư cách là thần của rừng (Sơn Quân) và là tiên chủ của vùng đất khi con người chưa đặt chân tới (Chúa xứ Sơn Quân). Đó cũng là biểu hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của người Việt”.
Bà con đến cúng viếng Ông Hổ cầu mong làm ăn được thuận lợi
2. Qua tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn tồn tại nhiều miễu hoặc ở phía trước sân đình có xây dựng miễu thờ cọp để lưu truyền tín ngưỡng dân gian này. Chúng tôi đã tìm đến miễu Ông Hổ nằm sâu trong ấp AB, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh. Miễu thờ cọp được dựng vào thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 bằng gỗ, đến năm 2006 xây dựng lại bằng bê tông. Tương truyền ngày xưa, vùng đất nơi đây có nhiều thú dữ tấn công người dân và phá hoại xóm làng. Thời đó, xuất hiện con cọp không làm hại dân làng, mỗi khi gặp thú dữ quấy phá đều bị cọp xua đuổi. Người trong làng thấy cọp là ông thần tới phò hộ dân làng nên lập miễu thờ. Bà Nguyễn Thị Bướm (63 tuổi) sống gần miễu Ông Hổ kể: “Những người lớn tuổi trong xã truyền miệng lại, khi Ông Hổ chết, người dân trong làng thấy xác, rồi xúm nhau mang về chôn cất phía sau miễu. Hằng năm, người dân trong xã đến rất đông để làm lễ cúng Ông Hổ như đám giỗ, riêng những ngày rằm, bà con trong xã đến quét dọn vệ sinh, cúng viếng Ông”.
Miễu Ông Hổ ở ấp Tân Thạnh A, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò
Miễu Ông Hổ tọa lạc sâu trong Rạch Cưỡi thuộc ấp Tân Thạnh A, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò thì được dựng từ thời Vua Gia Long. Trước đây, miễu dựng bằng gỗ, qua thời gian bị hư hỏng. Năm 2017, dân làng đóng góp tiền xây dựng lại bằng bê tông, kinh phí khoảng 200 triệu đồng với không gian rộng hơn để đón đông đảo bà con các nơi đến cúng viếng. Từ xưa đến nay, miễu Ông Hổ này xây dựng trên phần đất của cụ Huỳnh Thị Tư (95 tuổi). Theo gia đình cụ Tư, tương truyền ngày xưa, thời mới lập làng có một con cọp tới nơi đây nhưng không làm hại ai nên dân làng thấy vậy dựng miễu thờ. Hằng năm, dân làng tổ chức lệ cúng vào ngày 15 - 16 tháng 2 âm lịch. Ông Nguyễn Văn Sến (59 tuổi) là con ruột của cụ Tư cho biết: “Gần đến Tết hoặc dịp đầu Xuân, bà con mang lễ vật đến cúng Ông Hổ rất đông. Người dân chủ yếu cầu mong Ông Hổ phù hộ cho năm mới vạn sự bình an, mần gì được đó”.
Miễu Ông Hổ trong sân Đình Tân Tịch thuộc Khóm 1, Phường 6, TP Cao Lãnh
Đình Tân Tịch tọa lạc Khóm 1, Phường 6, TP Cao Lãnh được xây dựng khoảng đầu thế kỷ 19 đã qua nhiều lần trùng tu và lần trùng tu gần nhất vào năm 2010, trước sân đình có xây dựng miễu thờ tượng cọp. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Thuận, trong các đình ở Đồng Tháp Mười, tín ngưỡng thờ cọp rất phổ biến, nhất là các ngôi đình, hầu như đình nào cũng có miễu thờ cọp ở trước sân đình. Nơi thờ là cái miễu con bằng tre lá hoặc xây xi măng kiên cố, bên trong có bài vị hoặc tờ giấy đỏ viết tên hiệu cọp được dân chúng tôn xưng, có nơi gọi là Sơn Quân (chúa tể núi rừng), Thần Hổ, Bạch Hổ, Thần Bá Sơn Lâm. Nhiều nơi thờ tượng cọp với các tư thế khác nhau như: tượng cọp ngồi, tượng cọp bước đi oai vệ hoặc tượng cọp ngồi chồm hổm, hai chân trước giơ cao, miệng há to dữ tợn.
3. Nhiều miễu thờ cọp được xây dựng khác nhau, lệ cúng cũng khác nhau nhưng người dân đều tín ngưỡng, tôn vinh cọp như một vị thần. Ông Lê Văn Lạc (74 tuổi) - Trưởng Ban tế tự miễu Ông Hổ (ấp AB, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh) cho biết: “Mỗi năm, lệ cúng Ông Hổ vào ngày 16 – 17 tháng 3 âm lịch, lễ vật cúng là 1 con heo quay và 1 con heo trắng. Lễ dâng hương để khẩn vái Chúa Sơn Quân độ quốc thái dân an, Nhân dân bá tánh được bình an, mưa thuận gió hòa”. Bà Nguyễn Thị Bướm là người thường xuyên đến quét dọn vệ sinh, thắp hương ở miễu Ông Hổ cho biết thêm: “Tôi thường đến vái Ông Hổ hộ độ Nhân dân bá tánh trong làng, trong xã bình an, trên thuận dưới hòa, mần đâu được đó”.
Đề cập đến quan niệm tín ngưỡng thờ cọp của người dân, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Thuận cho biết thêm: “Quan niệm dân gian cho rằng cọp có khả năng xua đuổi tà ma và phò hộ cho người dân được mạnh giỏi. Vì cọp là con vật có sức mạnh vượt xa các loài thú khác nên người dân xem cọp là một vị thần có thể trừ dứt các chứng bịnh, nhứt là bịnh trẻ con. Ngày xưa, trong thôn xóm nếu nhà nào có con nít bị bịnh như nóng, sốt, ho, cảm... thì người lớn hay dắt lên đình, chùa thắp nhang trước miễu Ông Hổ”.
Như vậy, tín ngưỡng thờ cọp cho chúng ta thấy, vào buổi đầu khai hoang lập làng, mở rộng vùng đất, con người luôn đối diện với cọp và sợ chúng nhưng buộc phải tiêu diệt chúng để tránh mối đe dọa, quấy phá dân làng. Tuy vậy, giết cọp xong, người dân lại lập miễu thờ như sự tôn kính vị thần chúa tể núi rừng và tín ngưỡng này được người dân lưu truyền cho đến ngày nay.
* Bài viết có tham khảo cuốn “Tín ngưỡng dân gian” nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ
Dương Út