Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu - như tôi biết
Cập nhật ngày: 14/02/2022 09:37:41
ĐTO - Nhà nghiên cứu - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu (1943 - 2021), hội viên Hội Văn nghệ Dân gian (VNDG) Việt Nam, hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (nguyên Chi hội trưởng Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Đồng Tháp kiêm Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp) là một nhà nghiên cứu nổi tiếng không chỉ ở Đồng Tháp mà còn cả vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Cuộc đời hoạt động, nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu rất phong phú, đa dạng. Với tư cách đồng hội với ông, tôi xin nêu lên mấy khía cạnh nổi bật như là những nét chủ yếu của chân dung ông:
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu là một tấm gương tiêu biểu về khả năng vươn lên chiếm lĩnh tri thức chuyên ngành, chủ yếu bằng con đường tự học, tự nghiên cứu. Ông vốn là một nhà giáo, sau đó chuyển sang công tác ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp cho đến khi về hưu. Trong quá trình đi dạy học và làm việc, ông đã tham gia hoạt động tích cực trong lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu văn hóa - VNDG và sử học. Có thể nói, bằng sự đam mê mãnh liệt với vốn cổ của quê hương, của dân tộc mà ông đã tự mình từng bước tiếp cận, ghi nhận, nghiên cứu, công bố một cách rộng rãi tất cả những gì thuộc về văn hóa - VNDG và sử học trên mảnh đất Đồng Tháp và đồng bằng sông Cửu Long. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu đã tự mình tìm ra con đường nghiên cứu, trên cơ sở tự học là chủ yếu.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu là con chim đầu đàn, là người khởi xướng chuyên ngành nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn văn hóa - VNDG ở Đồng Tháp. Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu đã công bố những công trình đầu tiên của mình về văn hóa - VNDG. Năm 2003, ông được kết nạp vào Hội VNDG Việt Nam, trở thành người đầu tiên và duy nhất ở Đồng Tháp hoạt động trong lĩnh vực này. Bắt đầu từ đây, ông luôn tâm niệm, phải xây dựng thành công đội ngũ những người nghiên cứu văn hóa - VNDG ở Đồng Tháp. Dưới sự dẫn dắt của ông, từ một địa phương chỉ có duy nhất 1 hội viên Hội VNDG Việt Nam (năm 2003), đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 18 hội viên, trở thành một trong những chi hội mạnh không chỉ của Nam bộ mà còn trong cả nước. Đặc biệt, dưới sự hướng dẫn, bồi dưỡng của ông, tại Đồng Tháp, đã có không ít người trở thành hội viên Hội VNDG Việt Nam với tuổi đời rất trẻ như: Nguyễn Thanh Thuận (SN 1989); Lê Thành Thuận (SN 1988); Trần Thị Ngọc Ly (SN 1987); Dương Văn Triêm (SN 1985)... Theo sau và đồng lòng với ông, tất cả hội viên địa phương (27 người) và Trung ương (18 người) đã xây dựng một chuyên ngành VNDG rất mới mẻ nhưng khá vững mạnh tại miền Đất Sen hồng.
Sức làm việc, sáng tạo và cống hiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu dường như vô tận. Tôi và một số hội viên có dịp đến thăm trước khi ông qua đời khoảng 1 tháng, trong tất cả lời trao đổi rất nhọc nhằn vì đau, ấn tượng và ám ảnh nhất là việc ông tỏ ra vô cùng tiếc nuối bởi 3 công trình dở dang đang thực hiện chưa xong của mình. Trong 33 năm trước tác, kể từ tác phẩm đầu tay Giai thoại dân gian Đồng Tháp Mười (năm 1987), nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu đã xuất bản hàng chục công trình lớn nói chung, trong đó có 17 đầu sách về văn hóa - VNDG. Chỉ có thể nêu minh họa một số cuốn như: Truyền thuyết Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều (năm 1998, tái bản 2006); Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam (năm 2003); Văn hóa dân gian Đồng Tháp Mười (năm 2010)... Trong số đó, liên tiếp trong 2 lần Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu tỉnh Đồng Tháp gần đây nhất - lần thứ III (2010 - 2015) và lần thứ IV (2015 - 2020) - nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu đều đạt giải cao nhất (giải A).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu luôn nặng lòng với vốn cổ trong dân gian của đất nước, vùng đồng bằng sông Cửu Long và nhất là ở Đồng Tháp - quê hương thứ hai của ông (ông sinh ra tại Bến Lức, Long An). Ông luôn tâm sự với anh em hội viên trẻ (trẻ cả tuổi đời, trẻ cả tuổi nghề) rằng, đừng bao giờ để sót, để mất bất cứ cái gì, điều gì mà cha ông chúng ta đã làm ra, đã gửi lại. Trong những lần đi điền dã, dù đã lớn tuổi nhưng bao giờ ông cũng xông xáo tìm hiểu, đi đến tận cùng các tín hiệu, dù rất ít ỏi của sự kiện, câu chuyện, mẫu vật... liên quan đến văn hóa - VNDG. Trong những lần đi cùng với ông, tôi và các anh em hội viên đã rất bất ngờ, cảm kích và noi theo tấm gương “điền dã” của ông để tiếp cận, sưu tầm tỉ mỉ, cụ thể, tận cùng những điều nói trên. Tôi nhớ mãi chuyến đi từ Hà Tiên trở về Cao Lãnh năm đó, trên chặng đường xuyên qua các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, ông đã yêu cầu tài xế dừng xe lại rất nhiều lần, chỉ để quan sát, hỏi han về điểm giống và khác nhau về “bàn thiên” của các địa phương. Điều này, khiến chúng tôi vô cùng cảm phục và thích thú. Quả thật, nghi thức thờ trời, mong trời phù hộ độ trì là điểm chung của tất cả các “bàn thiên”. Song cách thức, cấu tạo, nguyên liệu... thì mỗi nơi một khác. Nếu không điều tra, nghiên cứu kỹ càng, ắt sẽ có những nhận định, bàn luận chung chung, ít phẩm chất khoa học và thiếu sức thuyết phục. Nguyễn Hữu Hiếu là một nhà nghiên cứu không bao giờ cho phép mình hời hợt, qua loa ở bất cứ phương diện nào, từ thao tác điều tra, sưu tầm, khảo sát... cho đến công đoạn tổng hợp, nghiên cứu, xây dựng đề cương và hoàn thành công trình... Điều này đã có tác động tích cực đến đội ngũ các nhà nghiên cứu văn hóa - VNDG ở Đồng Tháp, nhất là những nhà nghiên cứu trẻ. Tất cả mọi hội viên đều coi nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu là thầy và luôn học theo, làm theo ông.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiếu là một người thầy, người bạn lớn của nhiều nhà nghiên cứu VNDG trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp. Ông mất đi là một tổn thất lớn của chuyên ngành VNDG tại Đồng Tháp và cả nước. Di sản nghiên cứu ông để lại là vô giá. Đồng nghiệp, học trò của ông chắc chắn sẽ kế thừa và phát huy một cách thiết thực, hiệu quả, như là một nghĩa cử thiêng liêng, noi theo và tưởng nhớ ông.
THAI SẮC