Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế để đưa văn học tỉnh nhà phát triển
Cập nhật ngày: 21/02/2017 07:02:42
ĐTO - Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp vừa tổ chức buổi tọa đàm “Văn học Đồng Tháp hôm nay”. Nhiều tham luận, ý kiến tại buổi tọa đàm đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, đồng thời đề ra các giải pháp để văn học tỉnh nhà phát triển.
“Văn học Đồng Tháp hôm nay”, “Hướng đi nào cho thơ trẻ hôm nay”, “Tính đa dạng trong văn xuôi Đồng Tháp”, “Những chia sẻ về cách tân thơ”, “Tình người trong thơ Đồng Tháp”, là những tham luận được trình bày tại buổi tọa đàm, ít nhiều đã góp phần “hâm nóng” thêm niềm đam mê văn chương của các nhà văn, nhà thơ Đồng Tháp. Hiện nay, Phân hội Văn học của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật có khoảng 80 hội viên, trong đó 1/4 hội viên trên 60 tuổi bị hạn chế rất nhiều về sức khỏe nên việc sáng tác hầu như không đáng kể. Từ năm 2012 đến nay, nhiều tác giả đã thật sự đóng góp công sức cho văn học tỉnh nhà như: Thai Sắc, Hữu Nhân, Khắc Chu, Giang San, Minh Hoàng, Nguyễn Lệ Ba, Hồ Văn, Nguyễn Phước Thảo, Thu Phương, Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Toán, Nguyễn Thị Kim Thắm, Chiêu Linh,... Tuy nhiên, theo nhà thơ Hữu Nhân, có một thực tế là một số hội viên từ nhiều năm nay không còn tham gia hoạt động văn học. Lực lượng sáng tác nòng cốt hiện nay đa phần là cán bộ, công chức, viên chức, do bận công việc chuyên môn nên việc sáng tác văn học cũng có phần hạn chế. Ngoài ra, hội viên vẫn còn những khó khăn trong cuộc sống, trách nhiệm với, gia đình nên chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động sáng tác.
Với tham luận “Hướng đi nào cho thơ trẻ hôm nay”, nhà thơ trẻ Nguyễn Giang San khẳng định, hiện nay nhiều cây bút trẻ đã mạnh dạn dấn thân, tìm hướng đi và sự sáng tạo mới cho riêng mình. Tuy nhiên, sự sáng tạo ít hay nhiều cũng cần nằm trong những chuẩn mực thuộc về thơ ca. Nhận xét về tác giả thơ Đồng Tháp, nhà thơ Nguyễn Giang San đánh giá Đồng Tháp hiện nay thiếu vắng lực lượng tác giả trẻ, sân chơi dành cho những nhà thơ trẻ, cách phổ biến tác phẩm cho các nhà thơ trẻ chưa được phong phú. Thơ trẻ Đồng Tháp cần lắm những sân chơi dành riêng cho mình, nhưng điều quan trọng hơn là người viết trẻ cần có chiến lược phổ biến, giới thiệu tác phẩm của mình một cách bài bản và khoa học hơn. Nhà thơ - thạc sĩ Nguyễn Văn Nghiêm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học và Sáng tác trẻ trực thuộc Trường Đại học Đồng Tháp nhìn nhận phong trào sáng tác văn học ở trường trong thời gian qua đôi lúc có phần trầm lắng. Thời gian tới, Câu lạc bộ có giải pháp tập hợp được ngày càng nhiều lực lượng sáng tác là những người yêu văn đang học ở trường và cựu sinh viên của trường; xây dựng nền tảng mới trong điều kiện mới, đó là tổ chức sinh hoạt ở dạng online nhiều hơn, sẽ tổ chức sinh hoạt với một số hoạt động nổi bật. Hiện có trang Facebook của Câu lạc bộ, thành viên có thể gửi bài viết qua tin nhắn, qua mail, trao đổi giữa thành viên với Chủ nhiệm và giới thiệu kết nối một số nhà thơ trong tỉnh để góp ý, sửa tác phẩm.
Bàn về tính đa dạng trong văn xuôi Đồng Tháp hiện nay, nhà văn Hồ Văn cho rằng văn xuôi Đồng Tháp ở thời kỳ, giai đoạn nào cũng đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về số lượng tác giả. Sự tiếp bước của các tác giả trẻ đã góp công sức cho sự đa dạng phong phú tác phẩm. Các tác phẩm văn xuôi đã thể hiện được một góc nhìn toàn diện và mạnh dạn phản ánh đời sống quê hương Đồng Tháp cả về lịch sử, chính trị, đời tư cá nhân. Các nhà văn đã bám sát với đời sống thực tế. Tuy nhiên, các tác giả văn xuôi viết chưa đều tay, viết trong khoảng thời gian ngắn thì cạn đề tài, nguôi lòng nhiệt huyết. Mặt khác, lực lượng văn xuôi có tác phẩm mang tầm khu vực còn rất mong manh.
Để giải quyết những vướng mắc, nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền văn xuôi tỉnh nhà trong thời gian tới, tác giả Hồ Văn cho rằng cần tạo ra nhiều môi trường không gian sáng tác văn chương, “kích thích” hoạt động sáng tác trong giới văn nghệ sĩ bằng nhiều hình thức khác nhau, cụ thể là các Câu lạc bộ sáng tác văn xuôi của tỉnh, phát triển đội ngũ sáng tác trong nhà trường, lực lượng vũ trang; thay đổi cách nhìn đánh giá, chuẩn thẩm mỹ sao cho phù hợp với thị hiếu của giới trẻ nhằm thu hút lực lượng này vào hoạt động nghệ thuật; mạnh dạn chấp nhận cái mới, nhưng cái mới phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của dân tộc. Người cầm bút phải có lòng nhiệt huyết, không ngừng sáng tạo, biết rung động trước cuộc sống đời thường; đổi mới cách thức thể hiện để tác phẩm của mình chạm đến công chúng bạn đọc, không ngừng học hỏi từ các bạn viết, đồng thời phát huy sở trường của bản thân nhưng phải nhắm vào thị hiếu đọc của công chúng hôm nay.
Ngoài ra, các nhà thơ, nhà văn như Thai Sắc, Hữu Nhân, Thanh Hà, Bạch Phần, Phạm Thị Toán đều cho rằng, người sáng tác văn học cần xác định được mình viết cho ai, viết cái gì và trách nhiệm của mình trước tác phẩm - đứa con tinh thần mà mình “sinh” ra. Trong hoạt động sắp tới, Phân hội Văn học cần tổ chức đa dạng các hoạt động như: hội thảo, đi thực tế sáng tác, có thể đi thực tế theo nhóm nhỏ, vừa tạo sân chơi vừa khơi nguồn cảm hứng cho các tác giả.
Theo nhạc sĩ Phạm Khiêm, buổi tọa đàm được cho là hết sức thành công khi các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận hạn chế để đưa văn học tỉnh nhà phát triển. Tọa đàm cũng đi sâu và làm rõ được các vấn đề chính như: làm sao thơ, văn xuôi Đồng Tháp phát triển; cách phổ biến, quảng bá tác phẩm và hoạt động như thế nào để vực dậy phong trào văn học.
Hữu Nghĩa