Tháp Mười thực hiện nếp sống văn minh trong các hoạt động lễ hội, tiệc cưới, việc tang
Cập nhật ngày: 21/03/2016 13:09:03
Từng bước chấn chỉnh hoạt động lễ hội, việc cưới, tang lễ, UBND huyện Tháp Mười chỉ đạo các ngành thực hiện Chương trình Quốc gia về nếp sống văn minh giai đoạn 2005-2015, từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh.

Nhạc sống trong các đám cưới - “vấn nạn” tiếng ồn hiện nay
Toàn huyện Tháp Mười hiện có 26 cơ sở tín ngưỡng, 4 di tích lịch sử cách mạng, 1 di tích cấp tỉnh lễ hội dân gian, 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Trong năm, toàn huyện tổ chức 15 lễ hội. Lễ hội Gò Tháp hàng năm thu hút hàng ngàn lượt người từ các nơi về tham dự với hoạt động cầu mưa thuận gió hòa, gia đình bình an, hạnh phúc. Nhiều người dân còn xem đây là dịp để mua sắm, vui chơi, thư giãn sau những ngày mùa căng thẳng. Trước đây, khi đi lễ hội, nhiều người dân lo lắng về nạn móc túi, giật dây chuyền, ăn xin nằm dọc theo lối đi; một số người mê tín còn lợi dụng để hành nghề bói toán; do được phân lô để buôn bán trong những ngày lễ hội nên tình trạng vứt rác vương vãi tại khu vực đền thờ, chùa, phía sau di tích rất nhiều... Trước thực trạng vừa nêu, UBND huyện, phối hợp với các ngành triển khai các giải pháp giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường trong thời gian diễn ra lễ hội. Anh Lê Văn Hậu ngụ tại ngã ba An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “So với trước đây, hiện giờ lễ hội Gò Tháp khác hơn, ít gặp người ăn xin, nạn coi bói, móc túi cũng giảm. Nhiều chỗ di tích có mái che để mọi người đứng xem... Nói chung là thay đổi nhiều, đẹp, an toàn hơn...”.
Nếu như hoạt động lễ hội được cải thiện đáng kể thì việc cưới, việc tang vẫn còn một số hạn chế như: âm thanh vẫn còn mở lớn gây phiền hà cho sinh hoạt người dân; một số hộ dân vẫn còn lấn chiếm lề đường, vỉa hè, lòng đường che rạp gây cản trở giao thông; việc xử phạt các hành vi mở nhạc lớn vẫn chưa được thực hiện. Chị Nguyễn Thị Hương ngụ đường Hùng Vương, thị trấn Mỹ An cho biết: “Bây giờ theo phong trào, nên nhiều nhà có đám cưới, đám tang mở nhạc ầm ĩ, ca hát liên hồi bất kể trưa hay tối. Láng giềng với nhau muốn nói cũng ngại, vì lâu lâu nhà người ta mới có đám tiệc một lần. Tôi chỉ mong, chính quyền địa phương nhắc nhở để người dân ý thức mở nhạc nhỏ; mở nhạc vài ba tiếng đồng hồ, đừng quá lâu để không làm ồn những nhà bên cạnh...”.
Để thay đổi ý thức người dân thực hiện nếp sống văn minh, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân phát huy giá trị đạo đức, truyền thống trong gia đình; Đài Truyền thanh huyện, các Trạm truyền thanh xã, thị trấn tuyên truyền hơn 1.300 lượt với hơn 400 tin, bài; tuyên truyền trực tiếp trong các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, vận động hội viên thực hiện nếp sống văn minh trong lễ cưới, việc tang; đưa nội dung xây dựng nếp sống văn minh vào việc xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Tiếp tục nhân rộng việc thực hiện đám cưới, việc tang theo nếp sống mới, hiện nay, UBND huyện đổi mới các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đội tuyên truyền lưu động, câu lạc bộ đờn ca tài tử tại địa phương... Đối với hoạt động lễ hội, khi lễ hội diễn ra có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan của huyện, phối hợp với tuyến tỉnh đảm bảo trật tự an ninh, xóa bỏ tệ nạn, nạn ăn xin, mê tín, hành vi lừa gạt người dân; chủ động tạo nơi sinh hoạt văn hóa lành mạnh qua các hoạt động biểu diễn văn nghệ hát với nhau; tương trợ giúp đỡ nhau tham gia các buổi nấu ăn từ thiện dành cho khách hành hương; vận động người dân thu gom rác thải, bỏ đúng nơi quy định. Đối với tổ chức đám cưới, việc tang, chủ động phối hợp cùng địa phương vận động người dân tổ chức đám cưới đúng quy định pháp luật, tiết kiệm, tránh lãng phí; không mở nhạc ồn ào, ảnh hưởng đến người khác. UBND huyện cũng kiến nghị các đơn vị quản lý cấp tỉnh cần có văn bản quy định cụ thể việc sử dụng âm thanh; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
C.Phương