Thơ lục bát mới nhất của tác giả Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 09/11/2021 05:25:28
Đây là những bài thơ chưa đăng báo, chỉ xuất hiện mới nhất trên mạng xã hội (facebook, zalo...), nhưng là những bài lục bát ấn tượng, không thể không tiếp cận, chọn và giới thiệu đôi dòng.
Lục bát - thể thơ truyền thống, độc nhất vô nhị của dân tộc Việt - mới nhìn, mới nghe, tưởng dễ làm, ngỡ ai cũng làm được. Kỳ thực, để làm được một bài thơ lục bát đích thực, dù chỉ vỏn vẹn hai dòng biến thể như bài ca dao Đồng Tháp Mười: “Anh nằm chết thử vài giờ/Để coi con vợ ruột ăn ở phụng thờ ra sao” lại cực khó.
Cái khó nằm ở ranh giới chênh vênh “mất còn” giữa thơ và vè, nếu không thấu hiểu, chắc chắn sẽ ngộ nhận một cách tai hại - điều này đã, đang và sẽ còn diễn ra. Viết theo lối lục bát, dù dài đến đâu, gieo vần, hiệp vần chuẩn đến đâu mà trước sau chỉ là thao tác liệt kê, miêu tả một câu chuyện thuần túy nào đó, chỉ gửi gắm ít nhiều thái độ của tác giả, thì đích thị là vè. Vè trước hết là một thể loại văn vần dân gian, thiên về tự sự, nghĩa là thuật chuyện, được viết có vần, trong đó có thể lục bát nhiều khi rất chuẩn mực (Vè chàng Lía; Vè thất thủ kinh đô; Vè vợ ba Cai Vàng; Vè Ba Đình...).
Thơ lục bát, dù chỉ có hai dòng như ví dụ trên, nhưng thuộc cấp độ khác so với vè, bởi vì, trong đó xuất hiện “tứ thơ”, tức nêu ra một vấn đề nào đó, thường ẩn kín, phải ngẫm lâu mới nhận ra, khiến câu chữ lung linh cảm hứng khơi gợi đối với độc giả. Hai dòng ca dao nói trên là thơ, bởi nó không nằm ở thao tác tường thuật sự việc người chồng giả chết, mà cao hơn, sâu sắc hơn, nó đặt vấn đề lòng thủy chung của con người nói chung, lứa đôi nói riêng. Cái tứ thơ “chung thủy” ẩn kín ấy làm nên bài thơ. Thơ còn khác vè ở chỗ, nó không chỉ là một trong những thể loại lớn của văn nghệ dân gian (ca dao - dân ca) mà còn trở thành một binh chủng chủ lực của văn chương viết hiện dại. Thời nay, ít ai viết vè, dù là vè dân gian, nhưng vè xuất hiện không ít trong cái được gọi là thơ, bởi sự nhầm lẫn nói trên...
Trở lại với đề tài cụ thể - những bài thơ lục bát mới nhất của tác giả Đồng Tháp trên facebook, zalo... Vì là thơ viết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, cho nên, bên cạnh những đề tài về nhân tình thế thái, về tình yêu... nói chung, khá nhiều bài thơ khai thác ngay đề tài dịch bệnh nóng hổi này. Tuy nhiên, đó là những bài thơ thường chỉ mượn đề tài dịch bệnh, cốt gửi gắm những tứ thơ sâu sắc, nhân văn hơn.
Trước hết và tiêu biểu phải kể đến nhà thơ Hữu Nhân. Anh là một trong ít tác giả thành công về thơ lục bát (cả về số lượng và chất lượng), nhất là thơ lục bát viết về loài hoa sen (đã xuất bản ít nhất 2 tập thơ lục bát về sen). Một trong những bài thơ lục bát gần nhất trên facebook của Hữu Nhân rất ngắn - vốn như thơ lục bát của anh - nổi bật tứ thơ “chiêm nghiệm cuộc đời vô lường”: “thưa em từ cái buổi chiều/chứa bao toan tính với nhiều mưu mô/ta ngồi vớt lá sen khô/lòng trơ sỏi đá đáy hồ rêu phong”.
Tác giả Thanh Sen, trong bài thơ “Muốn” với tứ thơ “hy vọng về sự an bình đang đến” giữa thời đại dịch Covid-19, đã viết: “Muốn thời gian qua thật mau/Hết ngăn cách ta gởi trao nụ hồng/Sớm mai sen thắm phố đông/Chim vui hót giữa thong dong nhịp đời”.
Với tứ thơ “khát khao hạnh phúc giản dị nhưng trọn vẹn”, tác giả Cẩm Nhung đã viết những dòng thật hay, chân thật và đắm đuối, trong bài thơ “Cho em vừa đủ”: “Cho em vừa đủ môi mềm/Tình nhân vừa đủ ngày đêm đất trời/Cho em vừa đủ người ơi/An yên vừa đủ một đời vậy nghe”.
Chỉ là những dòng mà tác giả gọi là “tếu táo”, nhưng không phải vè, vẫn là thơ, lời cây bút thiên về lục bát Lê Tấn Vũ viết: “Ngày xưa không dịch ăn sang/Bây giờ có dịch ăn an nhàn hà/Ngày xưa không dịch chơi xa/Bây giờ có dịch bước ra bước vào”. Lấy cái khác nhau của bối cảnh trước và trong đại dịch để tự dặn mình thực hiện tốt giãn cách, âu cũng là cái tứ thơ thường gặp vậy.
Tác giả Bạch Phần, trong bài thơ “Về bên má” với lời tựa: “Bài thơ viết tặng những đoàn người về quê” đã cảm nhận sâu sắc hạnh phúc tuyệt đỉnh của những người vừa trở về quê từ vùng dịch ở miền Đông và TP Hồ Chí Minh: “Má ơi con đã về rồi/Dù cho dưa muối chẳng rời góc quê/Con về đắp lại bờ đê/Chăm vườn rau cũ ngồi nghe gió lùa”.
Trong niềm cảm hứng tương tự tác giả Bạch Phần, cây bút nữ Hữu Phước, trong bài thơ “Trở về” đã viết những vần lục bát khơi gợi và xúc động: “Bao nhiêu sợi khói lên trời/Hóa thành tro bụi lệ rơi cũng đành/Còn đây chút phận mỏng manh/Kéo về quê cũ an lành tựa nương”.
Viết về sự khốc liệt đại dịch Covid - 19 qua sự ra đi của một người nổi tiếng, tác giả Nguyễn Chơn Thuần, trong bài thơ ngắn “Tưởng nhớ nghệ sĩ Phi Nhung” đã viết: “Đời người như áng phù vân/Thôi rồi giã biệt dương trần Nhung ơi/Nắm tro gởi lại cho đời/Hồn thiêng nhẹ cánh về nơi Niết Bàn”.
Ngạc nhiên nhất với tôi (và chắc cũng với nhiều người) là cây bút thơ Siêu Thị Chiêu Linh. Đây là tác giả trẻ, đã từng xuất bản tập thơ đầu tay khá đầy đặn “Em đâu chỉ nồng nàn”, gồm 72 bài thơ mà không hề có lục bát xen vào, ngay mới đây, đã đăng bài thơ lục bát mang tên “Phận mình”, chỉ 8 dòng nhưng khá ấn tượng: “Câu hò còn vắt bên sông/Người đi biền biệt còn mong đợi gì/Sống chen nhau chốn thị phi/Quanh đi quẩn lại xuân thì còn đâu/Ta về ngồi ngó hàng cau/Ngoại xưa bóng đã lặng sau mây mờ/Câu hò ngân vút... bơ vơ/Phận bèo trôi mãi bến bờ biết đâu”. Cũng là tứ thơ “chiêm nghiệm cuộc đời” như nhà thơ Hữu Nhân, chỉ có chút khác nhau nho nhỏ, nếu bài thơ của Hữu Nhân thiên về sắc thái “khô cháy, trơ trọi” thì bài thơ của Siêu Thị Chiêu Linh nặng về tính chất “bơ vơ, phiêu bạt”.
Mấy dòng giới thiệu này, cốt để chuyển tải hai ý tưởng nhỏ: 1. Thơ lục bát vẫn miệt mài chảy trong dòng thơ chung Đồng Tháp với những thành công nhất định và 2. Dù đại dịch hoành hành, văn chương Đồng Tháp nói chung, thơ và thơ lục bát Đồng Tháp nói riêng, vẫn tìm mọi cách để vượt lên, đồng hành với đất nước, quê hương.
THAI SẮC