Xây dựng nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo
Cập nhật ngày: 31/10/2021 06:20:26
ĐTO - Xây dựng nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo được xem là nhiệm vụ cấp bách, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong sự hoàn thiện nhân cách cá nhân, sự vững chắc của cộng đồng. Từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh nhà.
Di tích chùa Kiến An Cung (TP Sa Đéc) thu hút du khách gần xa (ảnh tư liệu). Ảnh: Nhật Khánh
Xây dựng môi trường văn hóa tiến bộ
Thời gian qua, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, môi trường văn hóa ở Đồng Tháp được cải thiện và tiến bộ. Vai trò của gia đình, cộng đồng dân cư trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa, bồi dưỡng phẩm chất, lối sống tốt đẹp được phát huy. Các hoạt động văn hóa được tổ chức đa dạng, đổi mới, sáng tạo, ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở.
Bên cạnh đó, mô hình tự quản của cộng đồng dân cư được Nhân dân đồng tình, ủng hộ; việc xây dựng văn hóa trong các cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, khu dân cư và mỗi gia đình được chú trọng. Các công trình văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa được trùng tu, xây dựng, nâng cấp, một số di tích văn hóa phi vật thể được bảo tồn, phát huy. Đáng quan tâm hơn khi hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là tại cơ sở được quan tâm đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Không dừng lại đó, môi trường sinh hoạt văn hóa, văn nghệ được mở rộng với nhiều loại hình phong phú. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn được các ngành, các cấp, Nhân dân quan tâm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực đời sống văn hóa gắn kết với việc xây dựng nông thôn mới. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo một cách tích cực, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...
Trong xây dựng con người nghĩa tình, năng động, sáng tạo, Đồng Tháp chú trọng bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách; có thế giới quan khoa học, hướng đến chân, thiện, mỹ; bảo vệ môi trường. Đồng thời nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người; nâng cao thể lực, tầm vóc, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Mặt khác, tỉnh còn đẩy mạnh việc giữ vững, phát huy những giá trị mang tính nền tảng, cốt lõi “lòng nhân ái, tình cảm vị tha và khoan dung” để phát triển tính nhân văn và xây dựng văn hóa, con người Đồng Tháp...
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Tháp vẫn còn một số hạn chế. Đơn cử như tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, sự du nhập của các loại văn hóa phẩm độc hại đã, đang và sẽ tác động đến tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội; việc tổ chức quản lý và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở ở một số địa phương chưa tốt. Mặt khác, một số danh hiệu văn hóa còn mang tính hình thức, việc thực hiện bình xét các danh hiệu văn hóa chưa thực chất, còn nặng về chỉ tiêu thi đua. Thời gian qua, các tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác nhiều nhưng số tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật còn ít; công tác giới thiệu, quảng bá còn hạn chế. Văn hóa công sở nhiều nơi chưa được đề cao; một số bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa thực sự nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ...
Đồng Tháp chú trọng tạo điều kiện cho các sản phẩm khởi nghiệp phát triển (ảnh tư liệu). Ảnh: Khánh Duy
Quảng bá hiệu quả hình ảnh văn hóa, con người Đồng Tháp
Nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo trong thời gian tới, tỉnh đề ra mục tiêu tiếp tục quảng bá hiệu quả hình ảnh văn hóa, con người Đồng Tháp đến với du khách trong và ngoài tỉnh, du khách quốc tế; tạo động lực thúc đẩy phong trào khởi nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững. Đồng thời phát triển văn học nghệ thuật tập trung vào hoạt động sáng tác, phổ biến tác phẩm, lý luận phê bình, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, có cơ chế chính sách phù hợp đối với lực lượng văn nghệ sĩ nhằm tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật và tư tưởng phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của Nhân dân.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh; trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh và các làng nghề truyền thống của tỉnh; đầu tư xây dựng, quản lý tốt các thiết chế văn hóa cơ sở. Ngoài ra, duy trì và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình đúng định hướng của Trung ương; quan tâm nâng cao tầm vóc, thể trạng của người Đồng Tháp; tiếp tục duy trì, giữ vững vị trí đứng đầu cả nước về chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Trong thời gian tới, để phát huy các giá trị của nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo, tỉnh tập trung thực hiện các nội dung nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đối với sự phát triển bền vững đất nước nói chung, với nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo nói riêng. Mặt khác, các cấp ủy đảng, chính quyền cần triển khai thực hiện sâu rộng các Nghị quyết, Kết luận chuyên đề của Tỉnh ủy về xây dựng nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo giai đoạn 2020 - 2025.
Người dân Đồng Tháp hiến đất, tiền của, ngày công lao động xây dựng cầu, đường nông thôn (ảnh tư liệu). Ảnh: Khánh Duy
Đồng thời, tỉnh cũng tập trung xây dựng môi trường văn hóa, đời sống xã hội lành mạnh gắn với xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thiết thực, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, nâng cao chất lượng sống của Nhân dân. Bên cạnh đó, tiếp tục chăm lo xây dựng văn hóa trong chính trị, đề cao tinh thần nêu gương trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế, tập trung khơi dậy văn hóa khởi nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh làm giàu chính đáng cho mình và cho xã hội.
Song song đó, huy động sức mạnh của toàn xã hội trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Đa dạng hóa các loại hình hoạt động văn học, nghệ thuật, đảm bảo sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc trưng văn hóa Đồng Tháp. Tiếp tục cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa, coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích, tôn vinh các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa.
Hướng đến phát huy các giá trị của nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo, tỉnh tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin trên mạng để đảm bảo đúng định hướng chính trị, tư tưởng và thẩm mỹ; phòng ngừa, ngăn chặn, phản bác kịp thời những thông tin, quan điểm sai trái, lệch lạc, thị hiếu tầm thường. Đổi mới nội dung, phương thức quản lý hoạt động các thiết chế văn hóa; phát huy tính chủ động, tích cực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa ở cơ sở.
PHẠM NGỌC HÒA