Thơ về đề tài phòng, chống Covid-19 ở Đồng Tháp
Cập nhật ngày: 12/10/2021 09:53:58
Cùng với các thể loại báo chí và văn chương khác, trong những ngày cả đất nước và địa phương phòng, chống đại dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thơ của các tác giả ở Đồng Tháp cũng đã góp tiếng nói kịp thời, tích cực và đã ít nhiều mang lại hiệu quả, hiệu ứng rất đáng ghi nhận. Đó là những vần thơ, bài thơ đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống hay chỉ mới đưa lên các trang mạng xã hội (facebook, zalo, viber...), tựu trung, đều thể hiện một cách đậm nét ý tưởng và tinh thần của các tác giả: bằng nhiều cách bộc lộ khác nhau, cốt là được góp sức, góp công, cùng cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân phòng, chống dịch thành công. Thơ Đồng Tháp viết về đại dịch Covid-19 khá phong phú, đa dạng về đề tài, thể tài, cũng như cách thức thể hiện. Trên đại thể, thấy nổi lên mấy chủ đề lớn như: tình yêu đất nước, quê hương, gia đình... sâu đậm, khắc khoải trong đại dịch hoành hành; chiêm nghiệm, cảm nhận, lo lắng, đau đớn... trước những thiệt hại, mất mát do dịch bệnh gây ra; quyết tâm, hy vọng, tin tưởng... về một thắng lợi của công cuộc phòng, chống đại dịch; cổ vũ, động viên mọi người thực hiện tốt các chỉ thị, quy định để cùng nhau vượt qua đại dịch...
Tiêu biểu và trước hết, phải kể đến hai nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại Đồng Tháp: Hữu Nhân và Thai Sắc. Nhà thơ Hữu Nhân đã viết khá nhiều bài thơ về đề tài này. Trong dịch giã cách trở, nhớ về mẹ, Hữu Nhân đã viết những dòng rất xúc động và cũng đầy trách nhiệm: “Má ơi phong tỏa giăng giăng/Muốn đi chẳng dám một lần nhắc chân/Nhớ má và bao người thân/Con xin ở lại góp phần bình yên”. Hay đó là những mối tình thủy chung một cách giản dị nhưng vô cùng thiêng liêng trong mùa dịch: “Giãn nhau nhưng chẳng cách tình/ Mình che nhau những thình lình họa ương”. Có khi, nhà thơ nêu một câu hỏi lớn thấm đẫm triết lý nhân sinh, song chưa có lời giải đáp: “đâu ai ngờ có lúc nhiều trẻ mồ côi và nước mắt/dẫu bom đạn chiến tranh đã lâu lắm qua rồi/ta muốn rướn mình lên cao xanh và hỏi/thế gian này đang mắc tội tình chi”... Nhà thơ Thai Sắc đã viết hàng chục bài thơ về đề tài này, được thể hiện bằng một số thể loại thơ khác nhau như: tự do; lục bát; haiku, Đường luật... Cảm hứng chung trong những bài thơ này của Thai Sắc là, một mặt, thể hiện nỗi đau buồn, thương lo, mặt khác, bộc lộ lòng tin yêu, tin tưởng rồi sẽ có ngày sáng sủa, tốt đẹp hơn... trước dịch bệnh đang trùm lên quê hương, đất nước. Đặc tả hình ảnh cách ly những chiếc xe, nhưng cốt để nói nỗi đau cách ly của con người: “Giữa lằn ranh thực hư/Giữa hai miền sinh tử/ Những chiếc xe cúi mình/Mơ quá khứ”. Trong đại dịch, cặp khái niệm “vùng xanh” - “vùng đỏ” xuất hiện với tần suất rất cao, nhằm biểu thị một cách đầy hình tượng, tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương hoặc cả nước. Nói đến “vùng đỏ” là nói đến: “Mọi tuyến đường chốt ngang/Vỉa hè lạnh cỏ/Vùng đỏ/Chi chít vết chém bầm đất nước”.Và rồi tác giả reo lên đầy hy vọng trong đêm Trung thu bằng một bài thơ haiku, khi dịch bệnh đã có những biểu hiện thuyên giảm, bị đẩy lùi: “Trời thu cong hoài cổ/Mai ta về nghe tiếng chen chân/Từng nhịp thở reo đầy”...
Hầu hết các cây bút làm thơ ở Đồng Tháp, ít nhiều đã có những tác phẩm về đề tài này, với những cách bộc lộ cảm xúc, tiếp cận vấn đề và chọn thể thơ khác nhau. Vì khuôn khổ một bài giới thiệu ngắn, chỉ xin nêu vài ví dụ minh họa. Nếu tác giả Bạch Phần, dưới trăng rằm Trung thu tỏa xuống thành phố Cao Lãnh, đã bật lên những lời xót xa, đau đớn trước bao bi kịch hiện hữu do dịch bệnh gây ra: “Có cháu mới sinh ra/Đã không còn gì cả/Có cháu trong tay mẹ/Phút chốc bỗng bơ vơ”, thì cây bút miền biên viễn Tân Hồng là Hoàng Tiễn đã diễn đạt một cách đầy hình tượng những nỗi đau mất mát: “Bầu trời rộng ôm vào lòng khói trắng/Rưng rức buồn những mảnh hồn đau/Làn khói mong manh chông chênh chao đảo/Vật vờ bay suối lệ tuôn trào”. Ở thành phố Cao Lãnh, Thanh Sen, trong bài thơ “Đằng sau” đăng trên báo “Văn nghệ” (Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp), đã cảm nhận một cách rõ ràng cái đẹp của lòng thơm thảo, của tình người Việt Nam giữa đại dịch: “Đằng sau rào chắn vô hồn/Bao thơm thảo những tấm lòng cho nhau/Sẻ chia hạt gạo cọng rau/Trong hoạn nạn nghĩa đồng bào Âu Cơ”. Còn ở huyện Tân Hồng, trong bài thơ “Thương”, cũng đăng trên báo “Văn nghệ” (Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp), tác giả Cẩm Nhung thể hiện lòng yêu thương, sự tin tưởng, xen lẫn quyết tâm phòng, chống dịch tại quê hương mình bằng những dòng lục bát giản dị nhưng sâu lắng: “Quyết tâm ngăn dịch lan ra/Test nhanh phong tỏa nào ta đồng lòng/Ơi chùm khế ngọt Tân Hồng/Quen nắng gió chút bão giông sá gì”. Tác giả Nguyễn Thị Kim Tuyến thường có những bài thơ đậm chất thế sự, nhất là thơ viết về mẫu nhân vật tích cực trong cuộc sống đang diễn ra. Lần này, chị tiếp cận đề tài nói trên bằng việc tôn vinh, biểu dương những chiến sĩ xung kích trên tuyến đầu phòng, chống đại dịch: “Em kể chuyện tôi nghe/ Đói no trên đường phố/Thương đồng bào khốn khổ/Nước mắt ngược vào trong”. Và khi dịch bệnh đã được khống chế một phần, nhìn quang cảnh xung quanh thành phố Cao Lãnh, như một lời dặn dò thấm đẫm tin tưởng, tác giả Hữu Phước viết: “Dây giăng tháo dỡ hồi sinh/ Mong đời đón ánh bình minh tươi nồng/Biết còn nhiều lắm F0/5K tuân thủ mới mong yên lành”. Cây bút phóng viên Trần Trọng Trung ở Tam Nông thì có cách phát hiện và cổ súy cho cái đẹp đích thực của sự nghiêm chỉnh chấp hành các quy định phòng, chống dịch-rất chuẩn và dễ thương: “Em xin tháo chiếc khẩu trang/Để cười sảng khoái ngập tràn niềm vui/Rồi đeo lại khẩu trang thôi/Phòng ngừa Covid mọi người bình an”. Còn ở huyện Lai Vung, tác giả Nguyễn Chơn Thuần lại có cách thể hiện phong thái nghệ sĩ trong mùa dịch hết sức cụ thể, nhưng không phải không ngấm chút phong vị xót xa: “Ngồi buồn độc ẩm chung trà/Tại vì giãn cách đành xa bạn bè”...
Nhìn chung, thơ của các tác giả Đồng Tháp đã không hề thơ ơ, “quay mặt” trước đại dịch Covid-19 đang diễn ra. Ngược lại, đã có không ít tác phẩm thơ về đề tài này ra đời, góp tiếng nói cổ vũ, động viên, khuyên bảo... cùng cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân Đồng Tháp thực hiện phòng, chống đại dịch.Trong hoặc sau đại dịch, nếu tuyển chọn, biên tập và xuất bản một tập thơ về đề tài này của các tác giả Đồng Tháp, có lẽ cũng không phải là việc làm quá khó để thực hiện.
THAI SẮC