Tiếng rao
Cập nhật ngày: 08/05/2022 15:54:38
ĐTO - Phố và quê giờ đầy tiếng rao, từ tiếng rao bán “bánh mì đặc ruột nóng hổi...” đến tiếng rao “chưng, gai, bánh giò...”; từ tiếng rao bán kem, bán trái cây... đến tiếng rao bán các loại gia dụng thiết yếu như keo dán sắt, keo dính chuột..., từ tiếng rao mua các đồ phế liệu đến tiếng rao mua các thiết bị điện tử, điện lạnh cũ... Nét chung của loại tiếng rao này là đều được thu âm sẵn trên máy và mở phát liên tục trên các phương tiện xe máy hay xe đạp. Và vì thu âm sẵn nên dường như chỉ có một bản thu duy nhất được nhân ra khắp nơi, chí ít là trong một vùng như ở Nam Bộ. Cũng có những tiếng rao thu âm sẵn lan ra cả nước... Dĩ nhiên, vì thế mà đâu đâu cũng nghe rặt một chất giọng, một ngữ điệu, một nội dung..., khiến người nghe tỏ ra nhàm chán... Tôi gọi đó là “tiếng rao giả”.
Bởi vì, vẫn là nội dung rao ấy, sao nghe chẳng còn hồn vía gì, cứ nhạt thếch, vô cảm... Thế mới biết, “tiếng rao thật”, phát ra từ miệng của chính người mua bán hàng rong (và của các người mua bán lưu động khác) và “tiếng rao giả” nói trên là khác nhau một trời một vực.
Vì sao vậy? Có thể nêu ra mấy điểm khác biệt cơ bản sau đây:
Một là, “tiếng rao thật”, dù có thể câu chữ vẫn nguyên xi như mọi lần, nhưng chắc chắn cảm xúc, giai điệu, nhịp điệu, sự lan tỏa... mỗi lần, mỗi buổi, mỗi ngày là hoàn toàn khác nhau, phụ thuộc vào tâm sinh lý và sức khỏe của người rao, cũng như bối cảnh và môi trường cụ thể của thời khắc đó, mang đến cho người nghe cảm nhận về sự chân thực, sinh động của cuộc sống. Có ý kiến cho rằng, “tiếng rao thật” của những người mua bán hàng rong là một phiên bản âm nhạc dân gian, với giai điệu, tiết tấu đặc biệt và thường sử dụng các quãng âm 2 trưởng hay 3 trưởng để dễ “lọt tai” người nghe (ít người dùng các quãng cao). Còn “tiếng rao giả” thì lần nào như lần nấy, cũng với nội dung đó, âm điệu và tiết tấu đó, tốc độ đó của xe... khiến người nghe nhận ra sự nhàm lặp, đơn điệu, thậm chí vô hồn trong tiếng rao thu âm sẵn, dù tác giả của các bản thu cũng đã có chú ý đến tính nhạc của lời rao.
Hai là, “tiếng rao thật” là biểu tượng, hiện thân của công sức và quá trình lao động cực nhọc của những người mua bán hàng rong mỗi ngày, cũng như suốt một đời. Buổi sáng, tiếng rao của họ còn trong veo, khỏe khoắn thì khi chiều về, tiếng rao ấy, có thể và chắc chắn đã trầm đục, mỏi mệt. Nếu không mua bán được hàng thì tiếng rao ấy như ngắt đi từng khúc, từng khoảng, khiến người nghe rất đỗi cảm thông, xót thương, đồng cảm. “Tiếng rao thật” chính là một thao tác, một hoạt động lao động bằng sức lực, trí tuệ, tình cảm, cảm xúc của người mua bán hàng rong, với tư cách là một người lao động. Còn “tiếng rao giả” thì suốt 24 tiếng đồng hồ vẫn là âm điệu, nhịp điệu, tốc độ... di chuyển ấy. Đó là thứ tiếng rao hoàn toàn không mang lại sự cảm thông nơi người nghe và chẳng bao giờ khiến người nghe muốn sẻ chia, hỗ trợ, trừ trường hợp bất khả kháng, cần thiết phải mua bán thứ hàng hóa nào đó.
Ba là, “tiếng rao thật” chính là một nét văn hóa của dân tộc, được truyền lưu từ xa xưa đến nay. Nó góp phần làm nên hồn cốt dân tộc. Đó là nét văn hóa gắn với nền nông nghiệp lúa nước và kiểu sản xuất tự cung tự cấp. “Tiếng rao thật” còn là ký ức đẹp, là kỷ niệm sâu sắc của nhiều thế hệ người Việt. Nghe những người dân ở Hà Nội từ thế kỷ XX trở về trước nói về hàng trăm “tiếng rao thật” của người mua bán hàng rong ở thành phố này, mới thấy, đó quả là một thế giới âm thanh và hiện thực cuộc sống vô cùng phong phú, đa màu, đa thanh, làm nên bản sắc văn hóa và gương mặt đô thi độc đáo nơi đây như: “Ai khúc nóng ơ... khúc ơ...”; “Tóc đây! Hớt tóc đây!”; “Đồng hồ, quạt máy, ra-đi-ô cũ bán không”; “Ai lông gà, lông vịt bán không”; “Chum, chậu bát sứ vỡ hàn không”; “Nước vôi nóng ăn thuốc không”; “Ai bánh cuốn ra mua”; “Tóc rối đổi kẹo, vỏ chai, hộp xà phòng bán nào”; “Báo đây, báo mới đây”; “Bánh mì nóng giòn đây”; “Cháo sườn đây”; “Xôi đậu phộng, đậu xanh, đậu đen, xôi khúc đây”; “Mài dao, mài kéo đây”; “Bún riêu, canh bún đây”; “Cháo lòng đây”, “Bánh bò, bánh tiêu, bánh cam, giò cháo quẩy đây”... Nhưng giờ, “tiếng rao giả” gần như đã lên ngôi, thay thế. Những “tiếng rao thật” làm nên nét “văn hóa hàng rong” ấy dần được thay bằng “tiếng rao giả” mà như nói ở trên, là rất nhàm lặp, đơn điệu, vô hồn, vô cảm.
Thật ngạc nhiên và không thể không thoáng buồn khi tôi từ miền Tây Nam Bộ về thăm quê tại một làng sơn cước tận ngoài Quảng Bình, xa gần ngàn cây số, bỗng nhiên một tinh mơ vừa thức dậy, đã nghe ngoài đường làng vang to tiếng rao trên loa vốn rất nhòe một cách mặc định: “Muối bột... muối hột... sỉ, lẻ bán đây!”. Giật mình, cứ ngỡ mình đang nằm tại đường Trương Định, TP Cao Lãnh và nghe “tiếng rao giả” ấy mỗi ngày...
Công bằng mà nói, “tiếng rao thật” vẫn còn đâu đó và thỉnh thoảng xuất hiện, nhưng rất ít, thậm chí hiếm hoi. Người ta đã thích nghi quá nhanh với khoa học - kỹ thuật, với công nghệ - thông tin mà khước từ một cách dứt khoát “tiếng rao thật”, chuộng “tiếng rao giả” như là một lối giải thoát nhắm đến sự tiện lợi và giảm nhẹ công sức lao động. Phải chăng, đó là một trong những quy luật nghiệt ngã của sự phát triển? Có lẽ thế chăng? Dù vậy, tôi không bao giờ hết tiếc nuối, day dứt, thương nhớ về thế giới “tiếng rao thật” mà mình đã từng được sống và chiêm nghiệm. “Tiếng rao thật” không chỉ là ký ức, là kỷ niệm của nhiều thế hệ người Việt mà cao hơn, còn là văn hóa, đạo lý, tình cảm dân tộc.
Có phải, đến một lúc nào đó, “tiếng rao thật” của những người mua bán hàng rong sẽ “tuyệt chủng”? Và lúc đó, chúng ta lại phải bắt tay vào công cuộc phục hồi, phục dựng, thay vì lúc này, cần thiết phải có một quyết sách gìn giữ, bảo tồn thiết thực, hiệu quả? Câu hỏi của hiện tại, song dường như, đang khắc khoải ở thì tương lai...
TS