Tổ quốc gọi tên mình
Cập nhật ngày: 15/07/2015 04:25:30
“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/ Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây…”.
Cứ mỗi khi giai điệu ấy cất lên, không ít người đã xúc động đến bật khóc. Mới ra đời không lâu nhưng ca khúc Tổ quốc gọi tên mình đã được trình diễn, được thu âm, ghi hình, dàn dựng trong các chương trình hướng về biển đảo. Những giai điệu da diết mà cũng rất hùng tráng của Tổ quốc gọi tên mình đã trở thành tiếng nói tự hào của hàng triệu trái tim Việt Nam.
Từ nỗi lòng của người con đất Việt

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn
Có thể nói, ca khúc Tổ quốc gọi tên mình khi vừa ra đời có tốc độ lan truyền nhanh đến không ngờ. Trong một thời gian ngắn, những ca từ, giai điệu của bài hát đã trở nên nằm lòng với hàng triệu bạn trẻ trong và ngoài nước. Có thể nói, ca khúc đã được ra đời ngay trong thời khắc nóng bỏng và phản ánh được tình hình thời sự của đất nước. Tuy nhiên, để có được thành công này, không thể không nhắc đến những vần thơ rực lửa, lay động lòng người từ bài thơ Tổ quốc gọi tên của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai.
Đó là những ngày tháng 6-2011, lúc ấy biển Đông dậy sóng khi tàu Bình Minh 2 bị tàu nước ngoài cắt cáp trong lúc đang khảo sát địa chấn trên thềm lục địa của Việt Nam. Với tâm trạng của người con đất Việt, với suy nghĩ về trách nhiệm của một văn nghệ sĩ trước thời cuộc, trên chuyến bay ra nước ngoài, tác phẩm Tổ quốc gọi tên ngập tràn cảm xúc của Quế Mai ra đời. “Máy bay cất cánh, tôi nghiêng người nhìn qua cửa sổ. Hà Nội trải dài dưới mắt tôi. Tổ quốc tôi đó, những ngôi nhà nhỏ xinh lấp lánh ánh nắng, những thửa ruộng ngời lên như ngọc, những lùm cây xanh thẳm bình yên đang tỏa bóng xuống dòng sông Hồng uốn quanh như dải lụa mềm. Điều gì sẽ xảy ra nếu sự bình yên ấy bị một thế lực nào đó giày xéo? Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó cắt rời những tấc biển khỏi tấc đất Việt Nam? Ôi Tổ quốc, Tổ quốc! Tôi gọi thầm …”, Quế Mai từng chia sẻ.
Không lâu sau đó, trong một lần lên mạng, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đã tình cờ đọc được bài thơ, lúc đó khoảng cuối năm 2011. Những vần thơ có lửa của Tổ quốc gọi tên như thiêu đốt anh khiến nghệ sĩ vô cùng xúc động, lập tức những xúc cảm như kìm nén bấy lâu bỗng trỗi dậy mạnh mẽ. Những trái tim đồng điệu dường như đã gặp nhau, anh quyết định phổ nhạc bài thơ. “Tôi chủ động liên lạc với chị Quế Mai, xin phép chị cho tôi được chỉnh sửa lại một vài từ ngữ cho phù hợp. Chị đồng ý. Những giai điệu, khúc thức đã hình thành trong đầu tôi rất nhanh. Chỉ hơn 20 phút thôi, bài hát thăng hoa và tôi hoàn tất việc phổ nhạc”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn tâm tình.
“Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi/ Mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ/ Ngọn đuốc hòa bình, bao người đã ngã/ Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông... Tổ quốc linh thiêng, Tổ quốc linh thiêng/ Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa/ Biết bao triệu môi người thao thức tiếng Việt Nam…”. Ở phần một bài hát, ca từ với âm điệu da diết như những lát cắt vào mình khi Tổ quốc gặp phải sóng gió, thì phần hai với giai điệu với những từ lặp lại như Tổ quốc của tôi, Tổ quốc linh thiêng, hòa bình.. đã khẳng định chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm.
Đến kết nối hàng triệu trái tim
Bài hát được viết xong, Đinh Trung Cẩn đưa một số nhạc sĩ ở Hội Âm nhạc TPHCM nghe trước, tất cả đều đánh giá cao. Khi bài hát phổ biến qua nhiều ca sĩ, sức lan tỏa của ca khúc nhanh ngoài sức tưởng tượng với trên 80 triệu lượt người nghe chỉ trong chưa đầy 2 tháng. Hiện tại, hai đơn vị là Học viện Âm nhạc Quốc gia và Nhạc viện TPHCM đã xin phép tác giả để đưa ca khúc Tổ quốc gọi tên mình vào giảng dạy ở khoa thanh nhạc trong nhà trường.

Ca sĩ trong đoàn Văn công Đồng Tháp biểu diễn tại Trường Sa. Ảnh:Hữu Nghĩa
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nói rằng cảm xúc đồng điệu với nhà thơ đã giúp anh viết nên tiếng gọi thiêng liêng nhất từ trong sâu thẳm của tâm hồn người nghệ sĩ. Tổ quốc gọi tên mình như một lời hiệu triệu, rằng khi Tổ quốc cần, sẽ có hàng triệu triệu người đứng lên. Khi Tổ quốc gọi, sẽ có hàng triệu triệu trái tim sẵn sàng lên tiếng. Có lẽ chính vì thông điệp đó, ca khúc vừa ra đời đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của giới trẻ và cả người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim - Tổ quốc gọi tên mình trở thành ca khúc được phổ biến nhanh nhất, đi vào lòng người nhanh nhất cũng bởi vì vậy. “Tôi thất hẹn nhiều lần chưa đến được với Trường Sa nhưng do độ nén cao của bài thơ nên những cảm xúc trong tôi vẫn cứ tuôn trào. Tôi vô cùng hạnh phúc với những gì mà Tổ quốc gọi tên mình đã làm được, đó là kết nối những trái tim Việt Nam, những tâm hồn Việt Nam và luôn hướng về Tổ quốc”, Đinh Trung Cẩn chia sẻ.
Nhắc về những kỷ niệm với ca khúc này, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn kể: “Năm nào TPHCM cũng tổ chức cho các văn nghệ sĩ ra thăm, giao lưu với cán bộ chiến sĩ ở Trường Sa. Hầu như chuyến đi nào cũng vậy, ca khúc Tổ quốc gọi tên mình cũng vang lên mạnh mẽ. Có lần tôi nhớ mãi, lúc ấy gần 24 giờ đêm, khi NSƯT Tạ Minh Tâm đang hát với các chiến sĩ tại đảo Song Tử Tây thì nhạc sĩ Thế Hiển gọi điện cho tôi. Anh bảo nghe bài hát, ai cũng xúc động. Rồi anh chuyển điện thoại cho một chiến sĩ hải quân với lời nhắn nhủ, mong một ngày gần nhất được gặp Đinh Trung Cẩn tại Trường Sa. Lúc đó mắt tôi rưng rưng”.
Giờ đây, Tổ quốc gọi tên mình có lẽ đã không còn là của riêng của Nguyễn Phan Quế Mai hay Đinh Trung Cẩn nữa, mà đã là của cả nước, của muôn triệu trái tim Việt Nam.
MINH AN(SGGPO)