Từ sự đa dạng của sen, nghĩ về sự biến thiên của sự vật

Cập nhật ngày: 27/10/2016 06:33:15

Phần nhiều người dân Việt Nam đã đồng ý lựa chọn hoa sen là Quốc hoa Việt Nam. Riêng ở Đồng Tháp, đóa sen hồng được lấy làm biểu tượng của tỉnh. Không những thế, theo khuyến nghị của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội đã đưa cây sen, hình ảnh bông sen đi vào hoạt động của mỗi đơn vị. Cũng từ đây, các doanh nghiệp và nông dân đã khai thác, phát triển nhiều sản phẩm từ cây sen và bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Sen hồng trên đất Tháp trở nên sinh động, linh thiêng và hấp dẫn. Từ sự đa dạng của sen gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về sự biến thiên của sự vật, cách hành xử trong công việc và đời sống hằng ngày.

Ở Việt Nam, mỗi địa phương, vùng quê đều có phong cảnh thiên nhiên tạo nét đặc trưng riêng. Sen trở thành biểu tượng của quê hương Đồng Tháp. Thấy sen, nhớ sen như thấy cả trời đất, con người của vùng sông nước dạt dào tình thương, hiếu khách: “Thấy dừa thì nhớ Bến Tre/Thấy sen lại nhớ đồng quê Tháp Mười”. Từ lâu, cây sen, bông sen đã đi vào đời sống văn hóa, văn chương nghệ thuật của quê hương Đồng Tháp. Trong ca dao - dân ca đất Tháp, sen xuất hiện với tần suất dày đặc, nhiều nhất so với các loài cây, hoa lá thực vật khác. Sen xuất hiện với tư cách là một trong những loài cây tô điểm cho cảnh sắc đồng quê trở nên rực rỡ sắc màu, trăm hoa đua nở, tỏa sắc hương thơm: “Ai về Đồng Tháp mà xem/Bông sen, bông súng nở chen lúa vàng”. Tác giả dân gian còn lấy đặc tính vẻ đẹp của cây sen, hoa sen để ngợi ca phẩm chất, tính cách của con người Đồng Tháp. Đó là vẻ đẹp của nụ cười xinh như hoa sen, phẩm chất kiên cường trong gió giông, rũ bùn đứng dậy sáng ngời, dịu dàng, chân thật như cái nết duyên của cô gái miền Tây: “Sen mọc giữa đồng lòng sen trắng/Sen Tháp Mười mưa nắng vẫn tươi/ Bông sen như nết con người/Đẹp như con gái Tháp Mười quê ta”. Đặc biệt, sen còn gắn với phẩm chất của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Quân đi rung sóng Tháp Mười/Để sen thơm mãi tên Người kính yêu” và bày tỏ tấm lòng của người con bưng biền hướng về Bác: “Tháp Mười sen vẫn trổ bông/Bưng biền vẫn một tấm lòng xưa nay/Trông trời trông đất trông mây/Trông ngày đón Bác sum vầy Bắc Nam”.

Trong quan niệm của người Việt Nam, sen là hình ảnh của sự trọn vẹn, thủy chung, bất biến. Dù với nghĩa bóng hay thực, sen vẫn như xưa, không bao giờ thay đổi. Hình ảnh sen gắn với đầm - “Trong đầm gì đẹp bằng sen” hay ở những cánh đồng sen mênh mông. Sen đã trở thành hình tượng trong kiến trúc và nghệ thuật của người Việt xưa. Thế nhưng, với sự sáng tạo của con người hiện đại, sen đã được tạo thành nhiều sản phẩm. Vài năm về trước, ít người có thể hình dung ra được như vậy. Ngày nay, từ trong đầm, sen đất Tháp đã đứng chân trên quốc lộ, đường phố, công viên, công sở... Từ chỗ để ngắm hoặc cho các thi nhân làm thơ, sen đã được chế biến rượu sen, trà lá sen, trà nhụy sen, sen sấy, sen luộc, sen tươi, cơm sen..., có doanh nghiệp ở Đồng Tháp chọn thông điệp cho công ty của mình với câu slogan nổi tiếng: “Ngàn năm sau hoa sen vẫn nở”. Từ chỗ “gần bùn”, sen hóa thân vào ảnh, tranh, biểu trưng, biểu tượng, bản nhạc, bài hát... đi vào văn hóa ẩm thực, văn hóa doanh nghiệp... đi sâu vào mọi ngõ ngách đời sống văn hóa con người.

Với cái nhìn trực quan, sen vẫn là sen nhưng đã không phải là sen của thuở nào nữa rồi! Nhận thức về sự đa dạng của sen sẽ cho chúng ta dự cảm, dự báo về những biến thiên, biến đổi có thể có trên các lĩnh vực khác. Từ những “vĩ mô” như thiên nhiên, chính trị, văn hóa, xã hội, con người đến “vi mô” như gia đình, cách hành xử của mỗi người... đều có thể nói “không gì là không thể”. Dĩ nhiên, mọi sự biến thiên ấy đều theo những quy luật nội tại của sự vật và một quy luật bao trùm là sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ. Nhiều nhà khoa học đã đề cập đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm biến đổi sâu sắc đời sống xã hội trong thế kỷ này. Sự vật đã thay đổi từng ngày chỉ có điều có người không cảm nhận được hay “trùm chăn” trước nó. Nói cụ thể hơn, mọi sự thay đổi phải gắn với nền tảng của truyền thống, tinh hoa văn hóa, kết hợp với sự năng động, sáng tạo của con người hiện đại và đặc biệt là sự đồng lòng, đồng thuận của mọi người.

Xã hội vận động ở mức độ nào hay ngưng trệ là do nhận thức và hành động của con người. Có thể từ một người hay một nhóm người kích hoạt đến cộng đồng sẽ tạo ra hiệu ứng lan truyền. Với tiến trình của sen, chúng ta có niềm tin rằng mọi việc đều có thể thay đổi. Dĩ nhiên, sự “đổi dời” ấy bao giờ cũng bị chi phối bởi những quy luật nhất định. Muốn hiểu rõ về nó, chúng ta còn phải tiếp tục trăn trở nhiều hơn.

Dân Biện

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn